Làng nghề hàng trăm năm tuổi
Gần ngã ba Sình - đoạn sông Hương và sông Bồ gặp nhau trước khi đổ ra phá Tam Giang có một ngôi làng nổi tiếng với truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời. Đó là làng Sình, nay là Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với nghề in tranh mộc bản, ngôi làng đã tạo nên một nghề tranh dân gian đặc sắc ở đất Huế đã tồn tại suốt mấy trăm năm nay - nghề làm tranh làng Sình.
Tranh làng Sình - dòng tranh dân gian nức tiếng xứ Huế
Những bức tranh làm ở làng Sình mang đậm tín ngưỡng dân gian, gắn bó và quen thuộc với bao thế hệ người dân Cố đô. Làng Sình với dòng tranh dành cho thờ cúng đã có từ khoảng 4 thế kỷ trước. Vào thời chúa Nguyễn, theo dòng cư dân người Việt từ ngoài Bắc vào theo chúa Nguyễn Hoàng, nhóm người minh hương chạy dạt sang Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Minh - Thanh và nhóm dân bản địa, từ ngày ấy dòng tranh dân gian ra đời gắn liền với tên làng Sình.
Vào thời hưng thịnh của tranh Sình, trong các gia đình ở đây đều biết làm tranh tạo nên một khung cảnh trù phú. Cũng như nhiều dòng tranh dân gian của Việt Nam, tranh làng Sình đã trải qua những tháng ngày tưởng chừng như bị mai một, lãng quên. Có thời điểm, tranh Sình bị cấm vì người ta cho rằng: Đây là sản phẩm mê tín dị đoan. Vậy là cả làng Sình bảo nhau, mang bàn khắc gỗ đốt đi. Duy nhất có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước - truyền nhân đời thứ 9 của cụ tổ làng tranh giữ tất cả những bản khắc gỗ đó lại bằng cất chôn sâu dưới đất.
Không gian trưng bày tranh làng Sình ở nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước
Độc đáo tranh dân gian làng Sình
Ông Phước là hậu duệ duy nhất trong làng còn giữ được nghề làm tranh qua giai đoạn bĩ cực. Sau đó, ông đã truyền dạy cho mọi người để hồi sinh làng nghề. Giờ đây, nghề truyền thống này đã được gây dựng lại, đáp ứng được đời sống văn hoá tinh thần của người dân đất Cố đô.
Hiện nay trong làng chủ yếu những người già làm tranh. Loại tranh mọi người làm đa số là tranh thờ cúng. Chỉ có nhà ông Phước là còn làm thêm tranh dân gian phục vụ cho nghệ thuật và du lịch. Gần 80 tuổi, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước vẫn say mê, miệt mài với nghề làm tranh.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người “thổi lửa” nghề tranh làng Sình
Bên cạnh chạm khắc những bản mộc, ông Phước còn tự tay làm bút tô màu. Điều độc đáo thú vị là loại bút được làm chính sản vật tự nhiên có ở quê hương. Đó là từ rễ cây dứa dại - loại cây mộc khắp các gò đồi hoang ven sông ở Huế. Từ cây dứa dại già, ông Phước tìm chặt những phần rễ nổi trên đất lấy về. Ông cạo sạch vỏ rễ dứa rồi khứa một đầu, đập dập tạo thành ngòi bút độc đáo. Những chiếc bút nhìn mộc mạc, đơn giản là vậy nhưng khi vẽ sẽ có tác dụng hơn hẳn bút công nghiệp.
Ông Phước chia sẻ rằng đời ông cha, bút làm bằng cành tre non nên chỉ sử dụng được 3 ngày rồi thay mới. Năm ông Phước lên bảy, ông phát hiện làm cây bút từ rễ cây dứa dại rất hiệu quả, có thể dùng đến tận 3 năm sau không hư hỏng gì. Từ đó đến nay, dưới rễ cây dứa dại, hàng loạt tác phẩm độc đáo của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã ra đời mang đậm thương hiệu tranh làng Sình xứ Huế.
Tranh làng Sình độc đáo từ mục đích sử dụng đến cách thức thành phẩm. Từ những bản mộc đã có hoạ tiết, người làm tranh dùng mực màu đen làm bằng tro rơm rạ và lá bạc để quét đều lên. Sau đó dùng giấy in thành một bức tranh thô. Giấy được in là giấy gió quét điệp.
Khi làm ra một bức tranh, bản khắc gỗ và mực đen chỉ giữ vai trò làm khuôn và in nét chính. Những màu sắc còn lại được nghệ nhân tô bằng tay. Tranh làng Sình gồm 5 màu sắc chủ đạo: xanh, đỏ, vàng, tím, cam. Xưa kia việc pha màu được làm từ những nguyên liệu thô tự nhiên như gạch non, lá cây đung, vỏ điệp, hoa dần dần... Nhưng ngày nay, để giữ giá thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, những người làm tranh ở làng Sình như ông Phước phải dùng đến màu công nghiệp. Tuy vậy, mỗi bức tranh vẫn là một nét độc đáo, mang dấu ấn và cái tâm của người sáng tạo.
Tranh thô được tạo nên từ mộc bản, mực đen và giấy gió quét điệp
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tâm sự: “Tranh làng Sình cũng khá dễ học và dễ làm. Có điều lưu ý, nếu vừa tô màu vừa nói chuyện là hư bức tranh ngay. Do vậy, muốn thành hình một bức tranh cần cái tâm mình chú trọng vào bức tranh ấy."
Tranh làng Sình có bố cục theo lối ước lệ thuận mắt, không cầu kỳ nhưng rất sống động, sắc nét và có hồn. Màu sắc tươi sáng, những đường nét thô sơ, tự nhiên, đậm chất mộc mạc làng quê. Sức thẩm mỹ đó cũng đã làm nên vẻ đẹp riêng có, độc đáo của dòng tranh dân gian xứ Huế.
Sống cùng văn hoá Huế
Sinh ra ở mảnh đất đậm đà tín ngưỡng dân gian như Huế, tranh dân gian làng Sình đã phục vụ đời sống tâm linh của người dân Huế. Tranh làng Sình thường gồm tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật. Những bức tranh đặt lên dâng cúng đã chứa đựng tất cả niềm kính cẩn và mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp của người con xứ Huế. Những bức tranh sau khi cúng xong sẽ được mang hoá đi. Đó cũng là sự khác biệt của dòng tranh tín ngưỡng làng Sình so với các dòng tranh dân gian khác như tranh đông hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội). Ngày nay, những nghệ nhân nhà ở làng đã sáng tạo thêm dòng tranh trang trí mang lại cho tranh làng Sình một hơi thở mới, gần gũi hơn với đời sống.
Đến nay, tranh làng Sình đã trở thành mưu cầu của nếp sống văn hoá Huế và là di sản văn hoá quý báu của dân tộc. Dòng tranh này đã tạo nên một nét đặc thù, thể hiện một nét sinh hoạt tâm linh của không chỉ người dân Thừa Thiên Huế, mà còn có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần ở nhiều miền quê khắp dải đất miền Trung.
Du khách ghé thăm quan và trải nghiệm làm tranh tại làng Sình
Gắn liền với nghề tranh đặc biệt này, làng Sình đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Huế, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm, đặc biệt là du khách nước ngoài tò mò về loại tranh đặc biệt của Việt Nam.
Tranh làng Sình đã chứng tỏ được sức sống bền bỉ của mình như vẻ đẹp trường tồn của Huế, như khát vọng muôn đời của con người về một cuộc sống hoà thuận, êm ấm và yên vui. Việc kế thừa, gìn giữ và phát triển nghề làm tranh truyền thống không chỉ góp phần làm rạng rỡ văn hoá truyền thống Huế mà qua đó còn khẳng định vị thế của dòng tranh dân gian độc đáo của xứ Huế trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!