Tranh thêu tay - Thăng hoa nhờ sự tôn vinh người thợ

Kim Ngân-Thứ sáu, ngày 10/08/2012 12:00 GMT+7

Lâu nay, khi bàn đến giải pháp cho các ngành nghề truyền thống, người ta hay nói đến các yếu tố như mẫu mã, chất lượng, đầu ra cho sản phẩm... Nhưng sự phát triển của nghệ thuật tranh thêu tay từ một cở sở nhỏ cách đây 20 năm ở Đà Lạt, nay trở thành niềm tự hào của nghề thủ công truyền thống Việt Nam cho thấy có những giải pháp sâu xa, căn cốt hơn. Đó sự tôn vinh người thợ và tôn vinh những giá trị bản sắc của ngành nghề.

Không gian nghề thêu tại XQ Sử quán. (Ảnh: dantri.com.vn)

Những năm qua, các ngành nghề truyền thống ở nước ta phải đối mặt với sức ép cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm công nghiệp, không ít làng nghề mai một hoặc biến mất. Nhưng cũng có những cơ sở, với cách đi cách làm riêng đã không chỉ giữ được nghề, mà còn làm cho tinh hoa của nghề được phát triển vững chắc. Trong bài viết sau đây, kinh nghiệm từ một cơ sở thêu tay truyền thống sẽ cho thấy một khi biết tôn vinh người thợ và tôn vinh giá trị văn hóa, tư tưởng của nghề tổ, chúng ta có thể tìm ra câu trả lời cho nhiều vấn đề hóc búa của các làng nghề hiện nay như mẫu mã, chất lượng, đầu ra của sản phẩm
Nghi lễ có tên là “thay áo sống, áo chết” được thực hiện trong ngày giỗ tổ nghề thêu ở XQ Việt Nam xuất phát từ truyền thuyết về thần sống thần chết, phản ánh ước mơ về cuộc sống không còn cái ác, cái xấu của người thợ thêu. Người mới xem thì thấy lạ, nhưng với hàng ngàn người thợ thêu ở đây, những nghi thức đã thành một phần cuộc sống.
Tuần nào cũng vậy, sau khi hoàn tất công việc, tất cả họ đều tham gia vào nghi lễ “rước sợi chỉ ước nguyện” dâng lên tổ nghề thể hiện lòng tôn kính. Những chiếc kim gãy trong khi thêu cũng được gom lại trong lễ hội “kim gãy” để mãi ghi nhớ về sức lao động ngày hôm qua. Còn tại thư viện của làng thêu, việc đọc ít nhất 1 trang sách mỗi ngày được coi như một nghi thức với người thợ thêu XQ. Tất cả tạo ra một không gian mà ở đó, mỗi nghệ nhân luôn được nhắc nhở về trách nhiệm và tình yêu của mình với công việc.
Tuổi nghề một thợ thêu chỉ từ 15- 20 năm, thu nhập không phải cao, nhưng chính cảm giác được tôn vinh giá trị bản thân đã khiến hơn 2.000 người phụ nữ gắn bó với nơi này. Họ thêu để thể hiện chính khát vọng, để nói lên niềm vui nỗi buồn của mình. Sau 20 năm xây dựng, tới nay kỹ thuật thêu tranh phong cảnh, đặc biệt là thêu tranh chân dung nổi 2 mặt của XQ đã đạt đến độ tinh xảo, không chỉ chinh phục du khách đến Việt Nam mà còn vươn ra thị trường nước ngoài như Mỹ, Nga, Anh, Singapore.
Ông George Atkins - chủ phòng tranh Haleiwa - Hawaii - Hoa Kỳ cho biết: “Tranh XQ gây sửng sốt cho tất cả những ai tới phòng tranh của tôi, thậm chí cả những nghệ nhân cả đời thêu tranh ở Hawaii”.

Ở XQ Việt Nam có cả một không gian dành riêng cho các nghệ nhân nghỉ ngơi và truyền nghề khi mắt mờ, tay mỏi không cầm được kim thêu. Có lẽ đó chính là nơi 20 năm qua, những tinh hoa của nghề thêu, cũng như tình yêu với nghề tổ từ bao đời đã được giữ gìn, truyền lại cho lớp người trẻ, lặng lẽ mà bền bì như từng mũi chỉ đường kim.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước