Theo nghiên cứu, có khoảng 8% đến 12% trẻ em trong độ tuổi đi học không có thói quen ăn sáng. Bác sĩ Snodgrass Alison Marion, bác sĩ tư vấn nhi khoa tại Trung tâm cấp cứu nhi khoa Parkway East Coast, chỉ ra rằng, bữa sáng là bữa ăn đầu tiên để bắt đầu ngày mới và cung cấp cho cơ thể năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết. Bỏ bữa sáng có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Điều này khiến cơ thể bị đói nhiều hơn. Trong quá nhiều hoạt động, vui chơi ở trường, trẻ con dễ ăn nhiều hơn vào bữa trưa, bữa tối, hoặc dùng nhiều đồ ngọt để giảm cấp tốc những triệu chứng mệt mỏi. Vì vậy, cha mẹ được khuyến khích giúp con hình thành thói quen ăn sáng.
Mọi người đều biết rằng thừa cân có hại cho sức khỏe của trẻ. Một số cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp cực đoan hơn để giúp con họ giảm cân, chẳng hạn như không cho phép con ăn kẹo hoặc đồ ăn nhẹ. Tiến sĩ Snodgrass Alison Marion nhắc nhở, các bậc cha mẹ nên đặt ra mục tiêu giảm cân thực tế, dần dần cho con mình.
Chẳng hạn, bác sĩ cho rằng, đối với những đồ uống có đường mà trẻ thích uống như soda hay nước trái cây, cha mẹ không nên ép trẻ chuyển ngay sang nước thường. Cô đề nghị thay thế đồ uống có đường bằng sữa ít béo hoặc sữa đậu nành không đường trong một tuần, sau đó chuyển dần sang nước lọc.
Chế độ ăn uống lành mạnh, ít calo, đường và chất béo, có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi lớn lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!