Triển vọng cho hợp tác du lịch y tế Việt Nam - Nhật Bản

Bảo Lâm-Thứ tư, ngày 03/02/2021 19:37 GMT+7

VTV.vn - Hội thảo trực tuyến về du lịch y tế cho thấy tiềm năng trong việc đưa Việt Nam trở thành điểm đến mới của loại hình dịch vụ khám chữa bệnh kết hợp với du lịch.

Theo ước tính, mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỷ USD cho việc ra nước ngoài khám chữa bệnh, tập trung vào các bệnh như ung thư, tim mạch. Tuy nhiên, Hội thảo trực tuyến về du lịch y tế mới đây được tổ chức giữa Việt Nam và Nhật Bản, lại đang cho thấy tiềm năng trong việc đưa Việt Nam trở thành điểm đến mới của loại hình dịch vụ khám chữa bệnh kết hợp với du lịch này.

Hội thảo trực tuyến lần này được tổ chức với sự tham gia của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bô Y tế Việt Nam, đại diện các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện 108, Bệnh viện Gia An 115, về phía Nhật Bản là đại diện Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, đại diện Trung tâm Y tế kỹ thuật cao Nhật Bản Medical Excellence JAPAN (MEJ) và đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tatsuya Kondo, Giám đốc Điều hành điều hành Trung tâm Y tế kỹ thuật cao Nhật Bản Medical Excellence JAPAN (MEJ) cho biết: "Nhật Bản là đất nước có nhiều ưu thế vượt trội về khoa học, kỹ thuật, sự tận tâm, trình độ y khoa, đứng thứ 2 thế giới trong lĩnh vực du lịch y tế và chất lượng cơ sở vật chất & dịch vụ, vì thế mà đất nước này trở thành điểm đến của nhiều người bệnh muốn tìm kiếm các dịch vụ có chất lượng cao, trong đó có những người bệnh từ Việt Nam".

Tuy nhiên, trong tình hình đại dịch COVID-19, năm 2020 đã trở thành một năm vô cùng khó khăn với hầu hết mọi quốc gia trên toàn thế giới, và Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Các thành phố bị phong tỏa, hệ thống y tế quá tải. Du lịch gần như bị đóng băng, các chuyến bay thương mại bị hạn chế hoặc cấm bay, người dân bị hạn chế đi lại, các dịch vụ không thiết yếu bị cấm… Những điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể chất và sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần của người dân. Và trong bối cảnh đó, việc hợp tác điều trị hay chuyển giao công nghệ với quốc gia có nền y tế đang phát triển, đặc biệt là có những thành công trong công tác phòng chống Covid 19 như Việt Nam, có thể coi là giải pháp hiệu quả cho đôi bên trong công tác hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh, phục hồi sau Covid.

Triển vọng cho hợp tác du lịch y tế Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 1.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Đồng quan điểm với phía Nhật Bản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu: "Chất lượng bệnh viện tại Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt trong vòng 5 năm gần đây. Một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện tư nhân tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, trung tâm du lịch đã và đang được đầu tư trang thiết bị y tế ngang tầm với khu vực và thế giới. Khoảng 50 bệnh viện đã đạt chất lượng tốt theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Hiện, cả nước đã có 4 bệnh viện đạt chứng nhận chất lượng của Hoa Kỳ (JCI - Joint Commission International)". Nhưng đáng chú ý hơn cả là nhiều dịch vụ y tế tại Việt Nam như nha khoa, thẩm mỹ, nội soi, ung bướu, ghép tạng, thụ tinh trong ống nghiệm…đang có chi phí thấp hơn so với nhiều nước, trong khi, lại đang áp dụng các kỹ thuật tương tự được thực hiện ở nhiều nước phát triển".

Điều này hoàn toàn có căn cứ, khi mà thời gian vừa qua, đã có những mô hình hợp tác giữa công – tư và với các nước ngoài trong điều trị ung bướu, trong đó điển hình là Bệnh viện Gia An 115 của Tập đoàn Hoa Lâm đã kí kết hợp tác với bệnh viện K và các bệnh viện Nhật Bản về chuyển giao công nghệ, phối hợp đưa người bệnh qua điều trị, mô hình được chú trọng đầu tư với tiêu chuẩn cao và đáp ứng được nhu cầu của mọi người dân cả về cơ sở vật chất lẫn trình độ chuyên môn. Và theo ông Lương Ngọc Khuê : "Việc ký kết chuyển giao và hợp tác của Bệnh viện Gia An 115 sẽ thúc đẩy hơn nữa công tác thực hiện những kỹ thuật cao tại Việt Nam. Đây là bệnh viện tuyến cuối được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, có cơ sở vật chất hiện đại, các trang thiết bị, máy móc được đầu tư bài bản, nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn cao."

Bệnh viện Gia An 115 là một trong hai bệnh viện nằm trong Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La của Tập đoàn Hoa Lâm, được đầu tư cơ sở vật chất chuẩn quốc tế với quy mô gần 400 giường bệnh, đang phát triển mạnh về ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị trong đó có lĩnh vực ung bướu, cùng việc áp dụng thành công công nghệ nuôi cấy vácxin miễn dịch, v.v. Với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Triển vọng cho hợp tác du lịch y tế Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 2.

Bệnh viện Gia An 115 – một trong hai bệnh viện nằm trong Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La của Tập đoàn Hoa Lâm

Tham gia Hội thảo, Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 chia sẻ: "Bên cạnh những mối lo ngại về dịch bệnh trong thời gian qua, việc điều trị những bệnh khác đặc biệt là ung thư cũng đang là nỗi trăn trở của nhiều người dân cả về tâm lý và kinh tế, Tuy nhiên, chúng tôi luôn hướng tới chất lượng dịch vụ cũng như kỹ thuật y học tốt nhất tới mọi người dân trong và ngoài nước. Và với việc hợp tác cùng bệnh viện K và đối tác tiềm năng là Nhật Bản, chúng tôi tin rằng công tác điều trị ung thư bằng khoa học công nghệ tiên tiến sẽ giúp người dân an tâm điều trị và tin tưởng hơn vào ngành y học Việt Nam trong thời gian tới."

Và để thực hiện điều đó, Bệnh viện Gia An 115 sẽ không chỉ dừng lại ở việc hợp tác trong điều trị ung thư mà sẽ hợp tác với các đối tác y tế Nhật Bản đưa các thành tựu y khoa tiên tiến của Nhật Bản về Việt Nam, từ đó có thể cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý cho người dân Việt Nam, và hơn nữa, là thu hút và điều trị cho các bệnh nhân từ Nhật Bản, theo đúng phác đồ và kỹ thuật họ đang được điều trị tại đất nước mình.

Kế hoạch đó của Bệnh viện Gia An 115 nói riêng và Tập đoàn Hoa Lâm nói chung, theo ông Lương Ngọc Khuê, hoàn toàn đúng đắn, khi mà muốn nâng cao được chất lượng y tế, trước hết chúng ta phải dựa trên các bệnh viện lớn, cơ sở vật chất hiện đại, các bác sĩ có tay nghề và chuyên môn cao để có thể thực hiện được các kỹ năng khó. Và về phía cơ quan quản lý, ông cho biết: "sẽ thúc đẩy cả nhóm công và nhóm tư kết hợp để phục vụ nhu cầu của người dân, đẩy mạnh chiến lược du lịch chữa bệnh, cũng như trao đổi kỹ thuật cho đất nước Việt Nam, mang lại cuộc sống bình an cho mọi người dân."

Triển vọng cho hợp tác du lịch y tế Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 3.

Phòng mổ Hybrid hiện đại đang được vận hành bởi Bệnh viện Gia An 115

Được biết, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang được Chính Phủ giao xây dựng Đề án "Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030" với mục tiêu đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Việt Nam của người có khả năng chi trả, đồng thời thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh. Dự kiến, Đề án sẽ được triển khai trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Như vậy, những trao đổi và kế hoạch mà các bên đã cùng chia sẻ trong Hội thảo trực tuyến và Du lịch y tế Việt Nam – Nhật Bản lần này, hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt là mô hình hợp tác công tư giữa Bệnh viện K và Bệnh viện Gia An 115 thời gian qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước