Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để được đem ra biểu diễn cho bà con, các con lân, sư hay rồng đều phải trải qua nghi lễ “khai quang điểm nhãn”.
Múa lân sư rồng là một nghệ thuật mang đậm nét dân gian của người Á Đông. Các dịp lễ hội, đặc biệt Tết Nguyên đán, Tết trung thu đều không bao giờ thiếu tiết mục này. Ở miền Nam, múa lân sư rồng càng phát triển mạnh bởi cộng đồng người Hoa sinh sống ở đây.
Theo truyền thuyết của người Hoa, những con thú linh đều có cái hồn của mình khi đi vào đời sống và điều đó thể hiện ở chính con mắt. Vì thế, bao giờ cũng vậy, khi làm xong 1 cái đầu lân, sư hay rồng, bao giờ người ta cũng không vẽ con mắt, mà phải được các bậc cao nhơn, đức độ “điểm tinh” để con thú sống dậy, lúc đó lân sư rồng mới có thể xuất hành biểu diễn. Nghi thức ấy được gọi là “khai quang điểm nhãn”.
Trong khói hương nghi ngút ở chùa hay các hội quán, bên những loại hoa quả khai lễ có trầu cau, cải, quýt, gừng, lá trắc bách diệp và lọ châu sa hòa với rượu trắng, ông Hội trưởng tiến hành nghi thức "khai quang điểm nhãn": Dùng bút lông chấm vào châu sa, rồi lần lượt điểm vào một số bộ phận trên thân thể các chú lân như: Trán, mắt, tai, miệng, sừng, vai, chân và đuôi. Tất nhiên, khi điểm vào miệng, ông Hội trưởng không quên nhét vào đó một bao lì xì đỏ. Và như có một sức mạnh vô hình, sau khi được "điểm tinh", các điệu múa của 2 chú sư tử bỗng dưng mạnh mẽ, hào hứng và sôi nổi hơn hẳn.
Những ngày đầu năm, các Đoàn lân cũng thưởng tổ chức nghi thức “khai quang điểm nhãn” cho lân sư rồng để cầu mong một năm yên vui, thịnh vượng và ăn nên làm ra. Múa Lân sư rồng chính là hòa quyện giữa truyền thống dân tộc và tâm thức con người. Sâu xa hơn cả là một chiều rộng hoạt động của một nét văn hóa dân tộc Việt không hề bị mai một.