Hình ảnh những ông đồ già đã trở thành một trong các nét đẹp văn hóa đặc trưng trong Tết cổ truyền và hiện hữu trong các bức tranh dân gian. Giờ đây, khi nhịp sống ngày càng hối hả thì đâu đó vẫn có những khoảng lặng với hình ảnh ông đồ già bên trang giấy gió và nghiên mực tàu tạo nên những nét chữ làm đẹp cho đời.
Chờ đợi với cả lòng thành kính, những người đến xin chữ đầu năm luôn mang trong mình một tâm nguyện: xin được một nét chữ thể hiện được mong muốn, ước nguyện của bản thân và gia đình trong năm mới. Người xin chữ chăm chú dõi theo từng nét chữ, người cho chữ thận trọng dồn hết tâm hồn mình vào từng nét bút. Cái thần của nét chữ hiện dần trên trang giấy điệp.
Văn phòng tứ bảo là cụm từ mà người xưa dùng để nói về nơi làm việc của các ông đồ. Tứ bảo gồm có 4 thứ: bút, nghiên, giấy, mực. Các cụ thường nói: “Nét chữ, nết người”, những người được mọi người đến xin chữ thường là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều và viết chữ đẹp. Viết chữ thông thường đã khó nhưng viết chữ bằng bút lông thì còn khó gấp trăm lần vì nó vừa đòi hỏi cái tài của người viết vừa cần có kinh nghiệm, lại vừa cần cả khéo léo xen lẫn cứng cỏi trong từng nét chữ.
Trước khi đặt bút viết, người cho chữ thường có một khoảng lặng. Khoảng lặng đó là giây phút vô cùng quí giá để người viết định tâm và xuất thần trong từng nét bút. Cả không gian cùng nín lặng dõi theo các nét cọ điêu luyện. Việc xin chữ, ngoài ý nghĩa văn hóa, thể hiện việc trọng chữ nghĩa, trọng tri thức thì còn là dịp để những người có thú chơi tao nhã này có điều kiện được thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của người cho chữ. Một bản thư pháp đẹp không chỉ được đánh giá bởi nét chữ mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cách trình bày của người viết và bố cục của bức thư pháp.
Các cụ đồ xưa thường phải mài mực tàu để viết chữ. Ngày nay, các ông đồ đã đỡ vất vả hơn vì có mực màu công nghiệp. Loại mực này sẽ giúp các cụ viết được nhiều hơn nhưng đối với các cụ viết bằng mực tàu mài bằng tay vẫn là hay nhất. Việc mài không khó nhưng cần có sự kiên trì, khéo léo và đặc biệt là cũng phải biết cách mài.
Nét đẹp xin chữ đầu năm giờ đây không còn là thú chơi tao nhã của riêng người già. Giới trẻ ngày nay dường như cũng đã "cảm" được nét đẹp truyền thống này. Không ít bạn trẻ đã tìm đến các cụ đồ hoặc những nhà thư pháp tên tuổi để xin chữ. Họ đến đây vừa để thưởng thức các cụ viết chữ vừa để xin chữ về treo ở nơi trang trọng của gia đình, điều mà họ xem như một đích đến trong mục tiêu phấn đấu của cả năm mới.
Thư pháp được xem như một môn thiền nên theo người xưa, những ông thầy đồ thường sống rất thọ. Do vậy, người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Sau một thời gian bị mai một, giờ đây, việc xin chữ đầu năm đã dần quay trở lại và ngày một thịnh hành, trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ xuân về Tết đến.