Trong những năm tháng gian khó chiến tranh hay thời kỳ bao cấp, những thế hệ đi trước đã phải cố gắng rất nhiều. Tiết kiệm có lẽ đã trở thành lối sống đặc trưng giúp đất nước đi qua những năm tháng khó khăn ấy. Vài năm trở lại đây, sau đại dịch COVID-19, tiết kiệm trở thành từ khóa được quan tâm trở lại, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, đất nước tiết kiệm. Văn hóa sống tiết kiệm là chủ đề được bàn tới trong Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 2/4.
Nhìn lại lịch sử, hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải liên tục đấu tranh chống giặc ngoại xâm hàng nghìn năm như Việt Nam. Vì vậy, lối sống tiết kiệm để vun vén cho tương lai trở thành nếp nghĩ thường nhật từ bao đời. Các cụ xưa dạy "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", làm khi lành để dành khi đau…
Trong cuộc sống hiện đại, tiết kiệm được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, từ thắt chặt chi tiêu đến tái sử dụng những thứ đồ chuẩn bị bỏ đi. Cuối tháng 3, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2023, cả nước đã tiết kiệm được hơn 298.000 KWh, tương đương số tiền khoảng 556,6 triệu đồng. Như vậy, khi có thói quen tắt các thiết bị điện không cần thiết, con số sẽ lớn nhiều. Hơn nữa, hành động nhỏ này cũng là cách tiết kiệm tài nguyên cho đất nước. Mỗi người đều có cách khác nhau để thực hành tiết kiệm. Điều đáng quý của những hành động này không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng, xã hội.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra yêu cầu kiên trì giáo dục rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức. Dân tộc ta bao đời nay, từ trong mỗi gia đình, nhờ truyền thống quý báu này mà đã vượt qua bao thử thách. Một dân tộc đi lên từ gian khó sẽ hiểu hơn ai hết giá trị của tiết kiệm. Và tiết kiệm vẫn sẽ là một giá trị quan trọng trong đời sống của người Việt trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!