Tình trạng người trẻ thất nghiệp trên thế giới tiếp tục ở mức cao, nhất là tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nếu không được quan tâm giải quyết đúng mức, vấn đề này có thể trở thành "quả bom hẹn giờ" tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia.
Thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong năm 2017,có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, tương đương với ¼ số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường trong năm. Phần lớn sinh viên thất nghiệp tập trung vào các ngành: kinh tế, sư phạm, xã hội.
Trong số sinh viên ra trường có việc làm, có đến khoảng 60% sinh viên làm trái ngành đào tạo. Nhiều cử nhân đang làm những công việc đơn giản mà không cần đến bằng cấp.
Nguyên nhân sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều là sinh viên có kiến thức, nhưng thiếu kỹ năng cần thiết để làm việc. Cụ thể như: Kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng làm việc theo nhóm; kỹ năng lập kế hoạch mục tiêu; kỹ năng xử ký nhanh những khó khăn trong tình huống bất ngờ.
Nhiều sinh viên còn thụ động trong quá trình tìm việc, chưa tự tin, thiếu nghị lực để đương đầu với khó khăn, chưa có mục đích của cuộc đời; có tâm lý kén chọn việc làm trong khi chưa có kinh nghiệm, kỹ năng phù hợp.
Con số thống kê trên có lẽ sẽ khiến nhiều sinh viên đã và sắp ra trường e ngại. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để sinh viên mới ra trường có thể dễ dàng tìm được việc hơn? Trong chương trình Cuộc sống thường ngày hôm nay (12/12), bà Lê Thị Kim - Giám đốc nhân sự Tập đoàn đa quốc gia về tư vấn nhân sự Manpower Group Việt Nam đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!