Đứng trước sự kéo dài nguy hại của đại dịch COVID-19, một số bước cải tiến nhất định nhằm tăng tính hiệu quả, nhanh gọn đã được các nhà khoa học chú trọng phát triển ở mảng xét nghiệm sàng lọc. Trong số đó, xét nghiệm kháng nguyên hiện có thể coi là phương pháp được tin dùng phổ biến nhất bởi nhiều ưu điểm nổi bật như dễ làm, cho kết quả nhanh chóng và có thể tự thực hiện mà không cần tới sự hỗ trợ của đội ngũ y tế chuyên nghiệp. Dưới đây là những đánh giá chung nhất về hiệu quả của phương pháp xét nghiệm này mà người dùng cần nắm được trước khi mua và tin tưởng sử dụng.
Xét nghiệm kháng nguyên giống và khác với xét nghiệm PCR ở những điểm nào?
Hầu hết các bộ xét nghiệm tại nhà mà thế giới đang sử dụng có bản chất là xét nghiệm kháng nguyên. Loại xét nghiệm này có tác dụng xác định sự tồn tại của virus trong cơ thể, phân tích protein của chúng và trả về kết quả âm tính hoặc dương tính cho người dùng. So với phương pháp này, xét nghiệm PCR (Phản ứng chuỗi polymerase) - phương pháp phân tích các loại vật chất di truyền của virus trong cơ thể - cho kết quả có độ chính xác cao hơn. PCR hiện đang được coi là tiêu chuẩn vàng trong các phương pháp xét nghiệm.
Điểm giống nhau của xét nghiệm kháng nguyên và PCR là cách thức thực hiện: dùng tăm bông lấy dịch cơ thể từ họng hoặc mũi để chẩn đoán virus. Ngược lại, điểm khác biệt nổi bật nhất của 2 phương pháp kể trên là thời gian trả kết quả cho người dùng cũng như những thiết bị cần để tiến hành chẩn đoán. Trong khi PCR cần một khoảng thời gian lên tới 24 tiếng và những thiết bị chuyên dụng, đắt tiền, các xét nghiệm kháng nguyên chỉ tốn khoảng 15 – 20 phút để trả kết quả.
Xét nghiệm kháng nguyên cho hiệu quả như thế nào?
Với sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các ca nhiễm mới do ảnh hưởng của biến thể Delta, nhu cầu kiểm tra sức khỏe thường xuyên của mọi người tăng lên rất nhiều, dẫn đến nhu cầu xét nghiệm kháng nguyên cũng không ngừng tăng mạnh. Về mặt hiệu quả, loại xét nghiệm này được đánh giá là khá hữu ích vì có khả năng cho kết quả nhanh gọn, giúp người dùng phân biệt tốt hơn các triệu chứng của COVID-19 và các chứng bệnh thông thường khác để có được biện pháp điều trị phù hợp.
Thực chất, biện pháp xét nghiệm nào cũng có khả năng cho kết quả sai lệch kể cả xét nghiệm kháng nguyên hay PCR. Tuy nhiên, so với PCR thì tỷ lệ sai sót của xét nghiệm kháng nguyên vẫn cao hơn. Điều này bắt nguồn từ việc phương pháp xét nghiệm kháng nguyên chỉ phân tích protein của virus chứ không xét tới phần RNA, từ đó làm tăng sự nhầm lẫn. Do vậy, nếu các triệu chứng xuất hiện ngày càng rõ rệt, thực hiện xét nghiệm PCR vẫn là phương pháp nên được tin dùng nhiều hơn.
Xét nghiệm kháng nguyên có đáng tin trước biến thể Delta không?
Đặc điểm nổi bật của biến thể Delta là phát triển ở người bệnh các triệu chứng sớm hơn và dễ lây lan hơn các loại virus được ghi nhận ở thời gian đầu đại dịch. Chính nhờ vậy, xét nghiệm kháng nguyên vẫn được nhận xét là khá hữu ích trong công cuộc phát hiện biến thể Delta.
Để có được kết quả chính xác và đáng tin cậy nhất có thể, điều quan trọng người dùng cần lưu ý khi thực hiện xét nghiệm kháng nguyên tại nhà là đọc kĩ hướng dẫn và thực hiện đúng các bước hướng dẫn đó. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng quá rõ rệt mà bộ xét nghiệm vẫn trả kết quả âm tính, người dùng cần thực hiện các biện pháp khác để có được kết luận và phương pháp giải quyết kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!