Với bờ biển dài đến 56km, nhiều mảng rừng phát triển xanh tốt gần với trung tâm tỉnh lỵ là điều kiện lý tưởng để Bạc Liêu đầu tư, phát triển du lịch sinh thái.
Xác định lợi thế đó, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã quyết định tập trung phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bạc Liêu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, xây dựng quy hoạch chi tiết và kêu gọi các nhà đầu tư đến với các khu du lịch sinh thái như Hồ Nam, Nhà Mát, Sân Chim,…đặc biệt tăng cường đầu tư khu du lịch sinh thái biển gắn với các dự án phát triển điện gió của địa phương.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Vũ cho biết: "Dự án điện gió cùng với trồng rừng phòng hộ phát triển du lịch tạo nên một hình ảnh rất đẹp với du khách. Ngoài ý nghĩa về kinh tế nó còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái".
Ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương, tỉnh còn tích cực huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển du lịch với phương châm "người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch", nhất là du lịch sinh thái nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, đóng góp vào lớn vào tăng trưởng GDP, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm: "Để phát triển du lịch nhất là du lịch sinh thái, Bạc Liêu cũng có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thu hút du khách. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác quảng bá du lịch thông qua mối liên kết với các địa phương trong vùng."
Với các loại hình du lịch sẵn có như du lịch gắn với di sản văn hóa, du lịch tâm linh,…du lịch sinh thái sẽ là hướng đi mới thúc đẩy ngành du lịch của Bạc Liêu ngày càng phát triển hơn. Việc đầu từ nhân rộng mô hình du lịch này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà nó còn có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.