Đảo Cồn Cỏ nằm cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị gần 30km, còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Con Hổ, hay Hòn Mệ. Do được hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa nên đảo có giá trị về địa chất và sinh thái, cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát...
Đảo nằm khá gần đường hàng hải quốc tế, liên hệ với đất liền qua Cửa Tùng, nhưng có quan hệ không gian kinh tế với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ở phía trong và từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi, ở phía ngoài cửa Vịnh Bắc bộ. Cho nên, Cồn Cỏ là một trong những vị trí cửa ngõ, có kết nối đặc biệt trong không gian kinh tế của hành lang Đông – Tây, hành lang kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ (BTB) và các tuyến kinh tế theo các trục lộ BTB, nếu thiết lập được cầu nối trực tiếp với Đông Hà qua Cửa Việt.
Từ vị trí địa lý đó, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về quân sự, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, là con mắt thần án ngữ biển Đông.
Không quá lời khi ví Cồn Cỏ là viên ngọc xanh đẹp nhất ven biển miền Trung. Với diện tích 2,3km2 mà có hơn 70% là diện tích rừng tự nhiên đa tầng, nhiều khu vực ở đảo Cồn Cỏ còn giữ được vẻ đẹp gần như nguyên sơ.
Đến với đảo, du khách có thể tham quan dọc tuyến đường 5km xung quanh đảo để ngắm cảnh, thăm nhà truyền thống, cột hải đăng với tầm nhìn bao quát 360⁰ xung quanh đảo. Và tất nhiên, đừng bỏ qua hoạt động tắm biển, bắt ốc, hái rong nho cho chính bữa ăn của mình.
Để tránh hoạt động khai thác quá mức nguồn tài nguyên, chính quyền địa phương và BQL Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ khuyến cáo du khách chỉ bắt ốc, hái rong nho đủ ăn tại đảo, không mang vào bờ. Cồn Cỏ có một loại hàu đặc biệt là hàu răng cưa. Mỗi con to hơn 2 bàn tay nên chỉ ăn một con hàu là gần đủ bữa. Hương vị của hàu Cồn Cỏ ngon khó tả.
Một hoạt động không nên bỏ qua đối với người yêu biển đó là lặn ngắm san hô. Các bãi san hô chỉ cách bờ 7 - 10m và trải dài tít tắp ra xa. Cảnh đẹp như một khu rừng nguyên sinh đa tầng dưới nước. Quần thể nhiều loài san hô xen kẽ với quần thể rong biển, các loài cá, cua... vô cùng sinh động.
Hiện nay dịch vụ lặn ngắm san hô chưa phổ biến mà mới được tổ chức giới hạn do BQL Khu bảo tồn biển đảo hỗ trợ du khách.
Thềm san hô nối dài ra khơi
Những ai không lặn có thể trải nghiệm dịch vụ tàu đáy kính (30-35 người mỗi lượt 2 tiếng) để ngắm san hô từ trên thuyền.
Một điểm đáng lưu ý là mùa du lịch đảo Cồn Cỏ bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 8 hàng năm. Vậy nên trong năm nay ai muốn ra Cồn Cỏ thì ra trong tháng 8 nhé. Các tháng khác muốn ra cũng khó vì không có tàu ra đảo.
Rạn san hô dày với hai màu xanh - tím
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!