Tiên phong phát triển du lịch vườn ở địa phương
Vườn chôm chôm Vũ Phong (ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) trong hai năm trở lại đây là điểm dừng chân của nhiều du khách tới tham quan, vui chơi. Chị Lại Thị Mai Duyên, chủ vườn chôm chôm Vũ Phong cho biết, nhận thấy tiềm năng từ khu vườn của gia đình, với diện tích trồng chôm chôm rộng, có suối mát mẻ và trong địa phương chưa ai phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn nên từ năm 2022, gia đình chị quyết định phát triển du lịch vườn.
Với mong muốn mang đến cho du khách một trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức chôm chôm tươi ngon ngay tại vườn và có cơ hội nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian yên bình, chị Duyên hy vọng khu vườn của gia đình sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, góp phần thúc đẩy du lịch và kinh tế của xã nhà.
Khu vườn nhà chị Duyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Theo chị Duyên, thường từ thứ Sáu đến Chủ nhật là du khách đến đông. Tuy vậy, gia đình chị cũng chỉ nhận tối đa từ 100 khách trở xuống để đảm bảo khách có được trải nghiệm tốt nhất. Khách chủ yếu đến từ các xã, huyện lân cận.
Du khách hái chôm chôm tại vườn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Là du khách cùng gia đình vui chơi ở vườn nhà chị Duyên, chị Trần Thị Phượng Hằng, ngụ ấp 2, xã Bàu Cạn chia sẻ, rất thích khu vườn, đặc biệt là với gia đình có trẻ nhỏ. Bé được hòa mình với thiên nhiên, được tự tay hái trái rồi cả gia đình quây quần bên nhau bên bờ suốt, chị cảm thấy rất ý nghĩa.
Tuy nhiên, có khoảng thời gian khu vườn có thể chưa được đẹp vì còn phụ thuộc vào vụ mùa và thời gian thu hoạch trái cây của người dân.
Một bé gái được phụ huynh dẫn đến vườn sinh thái vui chơi. Ảnh: Du khách cung cấp.
Cho con trải nghiệm, khám phá thiên nhiên trong vườn trái cây. Video: Du khách cung cấp.
Nhân rộng mô hình, phát triển địa phương
Xã Bàu Cạn, huyện Long Thành hiện có hàng chục hecta vườn cây ăn trái. Với địa thế có đồi, có suối, rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái vườn. Tuy chỉ mới có một hộ kinh doanh mô hình mới này nhưng các khu vườn của vài hộ khác đã sẵn sàng đón khách.
Có 5 hecta trồng sầu riêng, bưởi, chôm chôm, anh Đinh Tiến Công, ngụ ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bày tỏ, bản thân đã trang bị đầy đủ kiến thức về chăm sóc cây trồng cũng như chiến lược kinh doanh.
Trái cây vườn gia đình anh Công trĩu quả. Nhà nghỉ ngơi cho du khách cũng đã được anh chuẩn bị.
Theo anh Công, là một trong những hộ tiên phong phát triển du lịch sinh thái vườn hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi dịch bệnh do côn trùng gây nên trên cây không được trị đồng loạt, sẽ có hiện tượng lây từ vườn này sang vườn khác.
Lo lắng là thế nhưng không làm anh Công nản lòng. Anh vẫn muốn mọi người trong địa phương nhân rộng hơn mô hình này để có nguồn thu nhập thêm, không chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy.
Phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, huyện Long Thành cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng đang làm công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó, có các chỉ tiêu về mô hình sinh thái vườn.
Hiện nay, xã Bàu Cạn đang hướng người dân làm vài khu sinh thái vườn nhằm phát triển kinh tế cũng như phát triển du lịch, các ngành nghề khác có liên quan để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn.
Đối với những người dân hiện đang xây dựng mô hình sinh thái vườn, địa phương cũng có liên kết, hỗ trợ người dân tham quan mô hình sinh thái của địa phương khác để về áp dụng tại địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!