Đây cũng là quê hương của giống đào ăn trái ngon nhất Nhật Bản, là nơi khởi phát lễ hội Samurai nổi tiếng, là nơi đền thiêng Fuji Sengen Jinja toạ lạc... Chuyến du Xuân dưới "nóc nhà” Nhật Bản đã mang lại cho tôi thật nhiều trải nghiệm đầy kỳ thú.
Du hành đến xứ Phù Tang lần này, tôi quyết định rời xa "lối mòn" theo "cung đường vàng" đã quá quen thuộc, gác lại những náo nhiệt, sầm uất của một Tokyo hoa lệ để thẳng tiến theo hướng Tây về Fuefuki, thủ phủ của tỉnh Yamanashi, cách Tokyo chưa đầy 100km với khoảng hơn một giờ đi tàu để đến nhà ga Isawa Onsen - lấy theo tên gọi của môn tắm nước khoáng nóng Onsen truyền thống.
Onsen ở Yamanashi rất nổi tiếng, với 32 lữ quán Onsen liền kề nhau tạo thành con đường Onsen rợp bóng anh đào. Yamanashi cũng là cái nôi của ngành sản xuất vang tại Nhật (chiếm 40% sản lượng), sở hữu hai giống nho cổ thụ nổi tiếng Nhật Bản là Koshu (nho trắng) và Muscat (nho đỏ), nguyên liệu tạo nên những chai vang trứ danh như Mars Koshu, Muscat Bailey-A...
Những giờ phút trải nghiệm rượu vang ở Hatta hay thưởng thức hương vị những chai vang danh tiếng cùng ẩm thực truyền thống kiểu Nhật, mới chỉ là khúc dạo đầu ý vị trước chuyến du hành vào miền di sản dưới chân núi Phú Sĩ.
Hồ Mùa Xuân (Waku-Ike) trong làng Oshino Hakkai Vua rồng ở làng Oshino
Tiết trời tháng 2 ở Yamanashi, băng tuyết vẫn ngập trắng các lối đi, và Phú Sĩ cũng khoác lên một chiếc mũ trắng tinh màu tuyết, mang vẻ đẹp đầy huyền bí của biểu tượng xứ Phù Tang. Theo chỉ dẫn của anh bạn Komiyama, một thổ địa của vùng hiện công tác tại Sở Du lịch thành phố Fuefuki, tỉnh Yamanashi, điểm ngoạn cảnh Phú Sĩ đẹp nhất dưới chân núi là ngôi làng cổ Oshino nằm giữa hai vùng hồ Kawaguchiko và Yamanakako. Oshino cũng là một vùng cảnh quan thuộc quần thể quanh núi Phú Sĩ được công nhận là Di sản Thế giới từ 22/6/2013.
Các kiến trúc cổ trong cụm đền Fuji Sengen Jinja Dấu ấn đặc biệt đầu tiên ngay khi bước vào làng Oshino chính là những ngôi nhà mái rơm cổ kính nay đã trên 300 năm tuổi, kế đến là 8 hồ nước tự nhiên quanh làng, tên gọi làng 8 hồ nước (Oshino Hakkai - Nhẫn Dã Bát Hải) cũng từ đó mà thành.
Tương truyền 8 hồ nước được hình thành sau những đợt phun trào của núi Phú Sĩ, kéo theo biến đổi địa chất dưới chân núi từ hàng triệu năm trước đã tạo nên kỳ quan Oshino Hakkai. Nguồn nước ở Oshino Hakkai chính là lớp băng tan từ đỉnh núi Phú Sĩ, trải qua quá trình thẩm thấu vào lòng đất, len lỏi qua lớp đất đá núi lửa trong chu kỳ kéo dài đến 80 năm. Sự tinh lọc huyền diệu ấy đã khiến 8 hồ nước của làng Oshino được công nhận là một trong những nguồn nước thiên nhiên tinh khiết nhất tại Nhật.
Oshino Hakkai nhỏ xinh quanh năm ngập tràn lữ khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của các ngôi nhà truyền thống, với phía xa là đỉnh Phú Sĩ. Cả một vùng cảnh quan soi bóng xuống dòng nước trong vắt, thấy rõ cả từng nhánh rong rêu và các đàn cá đầy màu sắc bơi lượn trong lòng hồ. Người bản địa quan niệm 8 hồ nước thiêng gồm Kagami, Shobu, Nigori, Waku, Choshi, Sokonuke, Deguchi và Okama chính là nơi 8 vị vua rồng ẩn náu.
Cổng Torii ở đền Fuji Sengen Jinja là cổng Torii bằng gỗ lớn nhất Nhật Bản (cao 18m) Bên tán rừng thiêng
Là một ngọn núi lửa, nhưng điều lạ là khu vực phía bắc dưới chân núi Phú Sĩ tồn tại một khu rừng nguyên sinh rộng đến 9,9ha, với những cây tuyết tùng cổ thụ thân to hơn 3 người ôm, được xác định hơn 1.000 năm tuổi. Chị Chinami Nakamura, thông dịch viên tiếng Anh của tỉnh Yamanashi, chia sẻ với tôi những lý giải thú vị về khu rừng: "Theo tín ngưỡng Thần Đạo (Shinto), các ngọn núi, khu rừng là nơi những vị thần thường cư ngụ. Khu rừng già dưới đỉnh Phú Sĩ vẫn nguyên vẹn sau các đợt phun trào được người theo đạo Shinto quan niệm rằng chính nhờ sự chở che của các thần, đặc biệt là vị nữ thần núi Phú Sĩ, do vậy người dân đã lập nên một đền thờ Shinto thờ vị nữ thần linh thiêng này".
Fuji Sengen Jinja là ngôi đền rất nổi tiếng, thường được những người leo núi Phú Sĩ tìm đến khấn nguyện bình an cho hành trình trước khi bước vào những chặng đường chinh phục lên đỉnh núi. Từ thời Edo, các chiến binh Samurai sau khi thanh tẩy tâm hồn và thân xác bằng nguồn nước tinh khiết ở làng cổ Oshino Hakkai, họ tìm đến đền Fuji Sengen Jinja dưới chân núi để cầu xin bình an cho hành trình leo núi, tạo thành khái niệm hành hương núi Phú Sĩ (Fuji-ko) mà nay tập tục này vẫn được hậu thế lưu giữ.
Sảnh đường chính của đền Fuji Sengen Jinja Đến Fuji Sengen Jinja không phải mùa leo núi, nên cảnh đền thanh tịnh, vắng vẻ, tôi dành nhiều thời gian để chiêm ngắm các chi tiết độc đáo của đền, nổi bật ở phần tiền sảnh của đền chính là hai chiếc mặt nạ khổng lồ, một hình người mỏ chim, một hình người mũi dài,đây chính là hai sắc diện của cùng một vị thần Thiên Cẩu (Tengu) - vị thần bảo hộ, đem lại bình an và may mắn theo tín ngưỡng Thần Đạo.
Bên hông sảnh chính của đền là lối đi dẫn lối ra đường mòn lên đỉnh núi Phú Sĩ. Ngày xưa, khi nguyện cầu xong, những người hành hương Fuji-ko sẽ theo con đường này chinh phục đỉnh núi, nhưng ngày nay, người leo núi chỉ đến đền cầu nguyện, sau đó dùng đường tàu điện Fuji Subaru đến trạm số 5 (1.980m) nơi lưng chừng núi Phú Sĩ rồi mới bắt đầu theo đường mòn lên đỉnh núi, lộ trình này rút ngắn khoảng cách leo núi hơn 5 tiếng đồng hồ so với việc khởi hành từ đền Fuji Sengen Jinja.
Băng tuyết ngập lối trên đường vào làng cổ Oshino Hakkai Rời ngôi đền Thần Đạo dưới đỉnh núi Phú Sĩ để về lại thành phố Fuefuki, câu chuyện nơi cư ngụ của 8 vị vua rồng ở làng Oshino Hakkai cùng những thông tin thú vị về đền thiêng Fuji Sengen Jinja như một lời mời gọi hấp dẫn để mong có ngày trở lại khi mùa leo núi bắt đầu (tháng 7 - 8 hàng năm), được làm Fuji-ko một lần trong đời theo câu nói trứ danh mang khí phách Nhật Bản: "Đời người nên một lần leo núi Phú Sĩ”.