Du xuân kinh Bắc, xem tranh Đông Hồ

Bài và ảnh: Mai Chi-Thứ ba, ngày 18/02/2014 16:51 GMT+7

Rời Lễ hội Kinh Dương Vương, khi câu quan họ người ơi người ở đừng về còn níu bước chân, chạy ô tô dọc đê sông Đuống, qua cầu Hồ chúng tôi tới ngôi làng nổi tiếng của dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội hơn 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống.

‘ Các em nhỏ trường Đoàn Thị Điểm Quảng Ninh đang nghe nghệ nhân

giới thiệu về tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ mang đậm nét dân gian thể hiện trong nội dung, đường nét, màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen, xanh, vàng, đỏ… Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được nghệ nhân khắc thêm những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn.

‘ Phòng trưng bày, bán tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế

Bóc tách từng lớp nang văn hoá trên mỗi bức tranh Đông Hồ cho thấy vốn văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng và hết sức độc đáo. Chúng tôi có mặt đúng lúc nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế- người làm sống lại làng tranh Đông Hồ đang trò chuyện với hàng trăm em học sinh tiểu học đến từ trường Đoàn Thị Điểm- Quảng Ninh.

‘ Hướng dẫn in tranh

Mười năm rồi mới trở lại nhà nghệ nhân, chúng tôi không khỏi vui mừng trước cơ ngơi khang trang được xây dựng từ nguồn thu nhập tranh Đông Hồ. Ngôi nhà tranh nhỏ bé mà lần đầu tiên chúng tôi đến thăm cách đây mười năm, ông Chế vẫn còn giữ. Nhìn vào những dãy nhà bề thế ngang, dọc để ở và bày bán tranh của ông bây giờ, du khách dễ dàng nhận thấy nguồn thu nhập từ tranh Đông Hồ đã đem lại sự hưng thịnh cho gia đình nghệ nhân ra sao.

‘ Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đang giới thiệu ý nghĩa bức tranh Hứng dừa

Người nghệ nhân già đã ngoại 80, một tay cầm tranh, một tay cầm micro say sưa giảng giải cho thế hệ trẻ ý nghĩa của từng bức. Những bức tranh Vinh hoa- Phú quý, Hiếu học, Đám cưới chuột, Em bé cưỡi trâu thổi sáo, Hứng dừa, Đánh ghen… đều hàm chứa trong nó những tầng ý nghĩa sâu sắc mà không kém phần lãng mạn.

‘ Niềm vui với bức tranh tự... sáng tác

Hào hứng hơn cả là khi các em nhỏ được người nhà nghệ nhân hướng dẫn từng bước in tranh Đông Hồ. Các em tự mình hoàn thành các công đoạn và hoan hỉ với bức tranh do chính mình in ra rồi kiên nhẫn ngồi chờ tranh khô. Các thầy cô giáo cẩn thận viết tên của các em học sinh lên tờ tranh mà các em tự in.

‘ Chăm chú vào chuyên môn

Chúng tôi ra về, ai cũng chọn cho mình những bức tranh ưng ý nhất để làm kỉ niệm và quà tặng. Từng đoàn khách Tây có, ta có vẫn lần lượt nối nhau ra vào nhà nghệ nhân tấp nập. Chỉ tiếc là, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là một trong số ít những người còn giữ lại nghề truyền thống của làng Đông Hồ. Đa số dân ở đây đã chuyển sang nghề làm hàng mã từ lâu.

‘Phơi tranh


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước