Trong mùa lễ hội kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân, gần 3 triệu lượt khách đã đến với Yên Tử (Quảng Ninh). Với nhiều du khách, việc hành hương về kinh đô của Phật giáo Việt Nam là để tri ân công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông - người mà sau 2 lần đánh thắng quân Nguyên đã nhường ngôi báu để về đây tu hành và lập nên thiền phái Trúc Lâm, Yên Tử. Đến đây, du khách còn hiểu thêm về tầm nhìn chiến lược của một một bậc vĩ nhân khi ông chủ trương hòa hiếu với lân bang bằng cuộc hôn nhân của con gái, tức công chúa Huyền Trân với vua Chiêm Thành để mở mang bờ cõi Đại Việt.
‘ Chùa Yên Tử - một trong những điểm đến của xu lịch tâm linh .
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Cha ông ta gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng đất nước, lúc phải đối phó với giặc ngoại xâm, lúc đất nước bị chia cắt bởi nội chiến, rồi cũng có lúc thiên tai, địch họa… Thế nhưng, giá trị tâm linh của Phật giáo Việt Nam là giá trị để an dân, đoàn kết dân tộc. Giá trị ấy luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Phong cảnh đẹp và giá trị đạo pháp sâu nặng của khu di tích Yên Tử khiến người ta muốn về đây để thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước”.
Là tôn giáo có mặt sớm nhất ở Việt Nam, Phật giáo in dấu ấn trong đời sống tâm linh của người Việt khi hòa mình vào tín ngưỡng bản địa như tín ngưỡng thờ trời đất cầu mưa thuận gió hòa, thờ mẫu và tục thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng và vị các anh hùng dân tộc… Sự hòa quyện ấy trong suốt một chiều dài của lịch sử dân tộc đã hình thành nên không gian thiêng trong tâm thức người Việt để kết thành bản sắc của văn hóa Việt Nam. Dường như ở mỗi ngôi chùa làng đều thờ Phật và cả thờ Mẫu, thậm chí là thờ cả thần linh cũng vì lẽ đó.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ: “Con người có niềm tin vào thế giới tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng và thế giới siêu nhiên. Du lịch tâm linh là một cách giúp người ta thể hiện niềm tin ấy. Ví dụ với những người theo Đạo Mẫu, người ta thường hành hương theo con đường mà chính trên đó đã tồn tại các đền phủ từ rất lâu đời. Trên những con đường đó người ta vừa cúng Mẫu, vừa cầu mong cho việc buôn bán phát đạt trong những năm tới. Còn người theo Đạo Phật thường đến các chùa chiền. Thêm nữa, vị trí các điểm di tích đó bao giờ cũng ở nơi thắng cảnh đẹp. Chính vì thế, việc kết hợp du lịch thắng cảnh ở các di tích tâm linh là hướng đi phù hợp”.
‘ Cảnh tượng chen lấn ở lễ khai Ấn Đền Trần là một hình ảnh xấu của du lịch tâm linh. (Ảnh: VNE)
Trong xã hội công nghiệp, nhu cầu hòa mình vào thiên nhiên và tìm đến với niềm tin tôn giáo ngày càng lớn. Đây là tiềm năng để khai thác những lợi thế của du lịch tâm linh. Tuy nhiên, theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, tiềm năng sẽ luôn đi kèm với thách thức nếu chúng ta tổ chức khai thác du lịch không hợp lý.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh phân tích: “Văn hóa thể hiện sự khát vọng. Nhưng nếu chúng ta biến nó thành trò diễn lặp đi lặp lại để thu tiền thì chủ thể không còn tâm hồn thể hiện cái đó nữa. Bất cứ một đền, chùa nào dù lớn hay nhỏ cũng đều phải quan tâm đến hàng loạt vấn đề về môi trường, điều tiết hợp lý nhu cầu đi lại của du khách để vào đó người ta có một không gian tương đối, chứ không phải chen chúc nhau. Như lễ hội đền Trần, hiện tượng du khách giẫm đạp lên nhau trở thành hành động phá hoại tâm linh một cách thảm hại”.
Giá trị văn hóa, tâm linh là hồn cốt của mỗi di tích. Vì thế mà sự hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa luôn là một câu chuyện thời sự ở các địa phương muốn phát triển du lịch dựa trên lợi thế của các cơ sở thờ tự vốn đa phần đã được công nhận là các di tích văn hóa, lịch sử.