Hòn Dấu - ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam

Mai Chi-Thứ ba, ngày 15/10/2013 14:51 GMT+7

 Còn gì thú vị hơn khi được tận mục sở thị một ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam, mang trong mình bao huyền tích như đảo đèn Hòn Dấu.

Với gần một trăm ngọn hải đăng khắp dọc dài bờ biển Việt Nam thì hải đăng Hòn Dấu - Đồ Sơn, Hải Phòng là con mắt biển hiếm có được bao bọc bởi cả một khu rừng nguyên sinh với bạt ngàn cây cổ thụ. Ngay từ những bước chân đầu tiên trên đảo Hòn Dấu, du khách đã bắt gặp những gốc đa, gốc si như những thân hình lực lưỡng trổ ra cơ man nào những chiếc rễ khổng lồ như những con trăn đang trườn vào lòng đất.

Chỉ cách bán đảo Đồ Sơn 1km, mất khoảng mươi phút ngồi trên thuyền máy nhưng khá nhiều du khách đã bỏ qua điểm đến thú vị này. Đảo Hòn Dấu dường như là một thế giới đối lập hoàn toàn với những xô bồ, ồn ã của bãi biển Đồ Sơn. Đến đây, du khách thấy lòng thư thái, nhẹ nhàng, dạo bước trên con đường phủ đầy rêu xanh, trên đầu là những tán đa xanh mát đan vòm. Mặt Trời chói chang đang thiêu đốt khắp nơi nhưng không thể có một lọt một khoảnh nắng dù chỉ bằng chiếc ô nhỏ ở khu rừng rợp bóng cổ thụ này. Phải chăng, lời đồn thổi về sự linh thiêng của Nam Hải thần vương đã giúp cho rừng già nguyên sinh hàng trăm năm tuổi giữa đại dương mênh mông ở Hòn Dấu được bảo toàn và cây cối ngày càng sinh sôi, nảy nở. Vẻ hoang sơ, u tịch khiến bước chân du khách ngập ngừng, nghĩ mình đang lạc trong khu rừng cổ tích.

Việc đầu tiên lên đảo là chúng tôi vào chiêm bái ngôi đền nhỏ, chạm khắc cầu kỳ thờ Nam Hải thần vương. Đền nằm ngay sát mép biển, núp dưới tán đa cổ thụ. Tương truyền, ngôi đền rất linh thiêng, người xưa mỗi lần đi qua đều phải hạ buồm vào đảo thắp hương tế lễ. Trong một dịp kinh lý ra Bắc, thuyền rồng của vua Tự Ðức gặp sóng to, gió lớn, vua lên đền khấn vái, bỗng chốc trời quang mây tạnh. Hàng năm, từ mùng 8 đến 10 tháng 2 (âm lịch) là lễ hội đảo Dấu - lễ hội truyền thống của người đi biển vùng duyên hải Bắc Bộ. Ngư dân khắp nơi kéo về đây cúng lễ, cầu xin Nam Hải thần vương cho một năm đi biển yên bình, thu hoạch nhiều tôm cá. Và, không chỉ vào ngày lễ hội mà quanh năm, dân chài miền biển vẫn đến đây khấn lễ.

Đi dưới bóng mát của rừng già, chẳng mấy chốc chúng tôi đã lên đến đỉnh –nơi có ngọn hải đăng Hòn Dấu suốt 120 năm qua bền bỉ làm nhiệm vụ chỉ đường cho tàu thuyền cập bến an toàn. Được người Pháp xây dựng từ năm 1892 đến năm 1898, hải đăng chính thức hoạt động. Năm 1964, hải quân và không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, cán bộ, công nhân Ty Bảo đảm hàng hải đã xây dựng hệ thống hầm ngầm trên đảo, bám trụ với tinh thần: "còn người, còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn sáng". Nay, vẫn còn nguyên dấu tích của hầm ngầm, dấu tích của đường ray hạ thủy những con tàu không số.

Tất cả đều là minh chứng cho một thời oanh liệt của các công nhân giữ đèn, thắp đèn nơi đây. Họ đã góp một phần công sức “đảm bảo an toàn cho tàu của các nước XHCN chở hàng vào cảng Hải Phòng, Hòn Gai viện trợ cho Việt Nam, phục vụ đoàn tàu không số tiếp vận cho đồng bào miền Nam, thực hiện cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”. Tấm bia cắm ở cửa hầm, ngay bên đường dẫn lên cột hải đăng đã ghi rất rõ như vậy. Sau những lần bị máy bay đánh phá, hải đăng Hòn Dấu được xây dựng lại trên nền móng cũ, theo hình dáng ban đầu nên dù có tuổi đời 120 năm nhưng nó mang dáng dấp rất hiện đại.

‘ Những bậc cầu thang gỗ nhuốm màu thời gian đưa chúng tôi lên ban công cao nhất của hải đăng. Gió biển mặn mòi, mát lộng, biển cả mênh mông, rừng già xanh ngắt… Dưới kia, những quả ngư lôi mà quân giặc đã thả xuống nhằm dập tắt ánh đèn chỉ đường cho các con tàu không số vẫn đang còn đó như một chứng tích sinh động của một thời oanh liệt.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước