Với mong muốn giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước những bản sắc độc đáo của cộng đồng dân tộc Mông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai thử nghiệm đưa lễ hội Gầu Tào vào phục vụ du lịch.
Quang cảnh lễ hội Gầu Tào - Ảnh: Phạm Ngọc Triển
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, một lễ Gầu Tào lớn nhất từ trước đến nay sẽ được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng năm Ất Mùi tại huyện Bắc Hà, Lào Cai. Lễ hội không chỉ mang bản sắc của đồng bào Mông mà còn là nơi diễn ra những trò chơi truyền thống nhằm gắn kết du lịch và thu hút du khách đến với Lào Cai.
Năm nay, ngoài đồng bào Mông ở Lào Cai, Ban tổ chức còn mời đồng bào Mông ở một số tỉnh như Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu đến tham dự lễ hội. Dự kiến từ năm sau, tỉnh Lào Cai sẽ đưa lễ hội vào phục vụ du lịch và mời gọi cộng đồng người Mông ở các tỉnh về với Lào Cai.
Trò chơi bịt mắt bắt dê luôn thu hút khán giả tại lễ hội "Gầu Tào" - Ảnh: Phạm Ngọc Triển
"Không có sự kiện nào thu hút khách du lịch đông đảo như lễ hội, nhưng muốn quảng bá lễ hội thì phải lựa chọn cách như thế nào cho hợp lý. Chúng tôi muốn lễ hội "Gầu Tào" sẽ như một biểu tượng của văn hóa người Mông. Những điểm hay, bản sắc văn hóa của người Mông như múa Kèn, chơi leo cột, đánh quay, đánh én… theo kiểu người Mông thậm chí là những trò chơi như kéo co, đẩy gậy sẽ xuất hiện trong lễ hội năm nay", ông Trần Hữu Sơn cho biết.
Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia./.