Tính riêng trong 3 năm gần đây, nạn xâm thực và sạt lở biển đã lấn sâu vào đất liền khoảng hơn 100m, cướp đi hơn 40 ha đất của các doanh nghiệp và khu vực dân sinh, chưa kể hàng trăm ha bãi cát nằm trong top các bãi biển đẹp nhất hành tinh do các tạp chí uy tín thế giới bình chọn.
‘ Biển xâm thực, gây sạt lở tại khu vực Cửa Đại - TP Hội An. (Ảnh: ĐCSVN)
Những năm qua, các phương án kè để bảo vệ bờ biển, không gian sinh thái tại khu vực trọng điểm du lịch này đã được bàn luận khá nhiều. Tuy nhiên, đây là điều không đơn giản, chưa muốn nói là lực bất tòng tâm, bởi theo tính toán, để triển khai hệ thống kè đồng bộ cho khoảng hơn 4km bờ biển tại đây phải mất chừng 10.000 tỷ đồng. Để tự cứu mình, một số doanh nghiệp du lịch tại đây đã liên kết tính toán phương án kè mềm, song xem ra cũng khó thực thi.
Ông Trần Quý Đôn - Phó GĐ Sunrise Resort nói: “Thành thực mà nói, con số hàng ngàn tỷ đồng là con số lớn hơn cả tài sản của chúng tôi thì làm sao chúng tôi tự bỏ tiền ra kè được. Chúng tôi phải tự cứu lấy mình bằng những cách đơn giản và hiệu quả nhất”.
Còn ông Claude M.Balland - Tổng GĐ Victoria Hội An Beach Resort & spa chia sẻ: “Chưa hết trận bão này chúng tôi đã phải đối phó với trận bão khác. Thiệt hại là chuyện đã đành nhưng tôi e ngại về lâu về dài, cả khu vực này sẽ bị xóa sổ nếu như không có những biện pháp tối ưu nhất. Nóng ruột để bảo vệ khu của riêng mình bằng phương pháp này hay khác thì sẽ không đồng bộ, chỗ cứng chỗ mềm như kiểu mạnh ai nấy làm, tôi e rằng không ổn”.
‘ Giải pháp tạm thời chống xâm thực bằng đá, gỗ và cọc tre. (Ảnh: ĐCSVN)
Để bảo vệ từng mét đất của dải đất vàng cho du lịch có vị thế chiến lược về quốc phòng, Thành phố Hội An - Tỉnh Quảng Nam đã chắt chiu kinh phí tranh thủ xây kè, nhưng qua 3 năm mới chỉ thực hiện được gần 200m. Trước khi giải quyết vấn đề cốt lõi là kinh phí, TP Hội An cũng đã trấn an các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ bằng những giải pháp trước mắt.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng Phòng Thương mại - Du lịch TP Hội An - Quảng Nam cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách can thiệp với các ngân hàng khoanh nợ hoặc giảm thuế cho doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão, vận động họ thực hiện mua bảo hiểm để được đảm bảo về tài sản”.
Sau phố cổ, khu vực ven biển là vùng du lịch quan trọng của TP Hội An chiếm khoảng 30% doanh thu toàn ngành. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại đây trong những năm qua đã cho thấy việc xử lý hạ tầng du lịch ven biển đang là bài toán nan giải.
Khó khăn, nguy hiểm là vậy, nhưng không gian ven biển Hội An vẫn hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư. Câu chuyện bảo vệ vùng ven biển Hội An hay thả trôi phó mặc cho thiên nhiên vẫn đang chờ bàn luận thêm. Và bảo vệ bằng cách nào? Phương pháp tạm thời, đơn giản, ít tốn kém hay kiên cố, đúng quy trình kỹ thuật theo các nhà tư vấn giàu kinh nghiệm trên thế giới? Câu trả lời hiện vẫn còn bỏ ngỏ...