64 làng nghề truyền thống tại TP.HCM, một con số khá ấn tượng đối với một thành phố giàu tính hiện đại. Nhưng tiếc rằng, chỉ một vài khu làng nghề được biết đến trong các tour tham quan của các công ty lữ hành. Điều này cho thấy, du lịch làng nghề đang còn là dấu hỏi lớn đối với nhiều người.
Một du khách chi sẻ: “Tôi muốn đi chơi đâu đó nhất là đi xem làng nghề của Việt Nam nhưng hầu như ở TP.HCM không có”.
‘ Nhiều làng nghề luôn trong tình trạng vắng khách
Nỗi thất vọng của du khách khi đến tham quan thành phố lại là nỗi buồn của người thợ thủ công tại các làng nghề truyền thống hiện nay. Theo đại diện của một số đơn vị kinh doanh du lịch, chỉ khoảng 1-2% điểm du lịch làng nghề được khách biết đến. Lý giải cho vấn đề này chỉ có người trong cuộc mới biết rõ.
Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc CTCP Truyền thông du lịch Việt cho rằng: “Mặc dù TP.HCM còn thiếu các điểm đến giàu tính văn hóa dành cho du khách nhưng du lịch đòi hỏi các điểm đến phải thực sự trở thành nơi cung ứng các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa tốt trong đó vệ sinh môi trường và thái độ, phong cách phục vụ chu đáo. Tôi nghĩ rằng hiện nay tất cả vấn đề này chưa đạt được điều kiện”.
Bà Trần Thị Tuyết Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: “Chủ trương chung của Nhà nước và phần du lịch không “ăn nhau”. Bên các làng nghề có khi tự thân họ đã sống được rồi, họ không cần du lịch họ cũng sống được do kinh doanh mặt hàng của làng nghề mình”.
Rõ ràng du lịch và làng nghề đang tồn tại hai thái cực khác nhau. Những làng nghề nổi tiếng chỉ chú trọng tới vấn đề sản lượng hàng hóa tiêu thụ, ít chú trọng nghĩ tới vấn đề quảng bá sản phẩm thông qua du lịch.
Trong khi mối quan tâm hàng đầu của các công ty lữ hành là khả năng cung ứng dịch vụ một cách chuyên nghiệp tại các làng nghề. Còn các làng nghề thường chỉ chú trọng việc phát triển kinh tế hộ mang tính đơn thuần. Hai nhu cầu đã không gặp nhau bởi hai con đường, hai cách nghĩ khác nhau dẫn đến tình trạng các công ty lữ hành luôn trong tình trạng khát điểm đến còn làng nghề luôn thiếu vắng khách.
Tại Củ Chi, khu du lịch làng nghề “Một thoáng Việt Nam”, nơi tập trung rất đông làng nghề truyền thống nổi tiếng ba miền Bắc – Trung – Nam nhưng cũng đang trong tình trạng vắng khách. Đây cũng là hệ quả của sự kết nối đã không còn.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM chia sẻ: “Kết nối giữa nhà sản xuất làng nghề với các công ty lữ hành còn có khoảng cách. Các làng nghề phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách du lịch khi đến tham quan. Ngành du lịch TP.HCM cũng rất trăn trở và sẽ có chương trình kết nối để làng nghề đáp ứng yêu cầu của khách du lịch”.
Chủ trương làng nghề gắn với du lịch nhằm tạo nguồn thu cho người dân, thúc đẩy phát triển những dòng sản phẩm có hàm lượng đặc trưng văn hóa cao tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm tour du lịch. Nhưng xem ra vấn đề không hề đơn giản khi sự gắn kết loại hình này còn nhiều bất cập và làng nghề cần có sự đầu tư mới để phát triển phù hợp.