Con đường cổ dài 600 m rộng khoảng 8 m được lát bằng những phiến đá lớn thường thấy vào thời kỳ La Mã, vừa được nhóm khảo cổ người Anh tìm thấy ở Jerusalem.
Đó là con đường được xây khoảng 2000 năm trước. Đây là nơi từng được người hành hương sử dụng để tới thờ cúng tại Núi Đền, Jerusalem, lần đầu tiên được phát hiện kể từ khi thành phố David bị người La Mã cướp phá vào năm 70 Sau công nguyên.
Dấu tích của con đường cổ 2000 năm tuổi vừa được tìm thấy
Nhóm khảo cổ phát hiện thấy hơn 100 đồng xu bên dưới những viên đá lát đường có niên đại khoảng năm 31 Sau công nguyên. Phát hiện này là bằng chứng cho thấy con đường do Pontius Pilate, người La Mã cai quản vùng Judea xây dựng nên.
"Qua những món tiền xu khắc năm đúc giúp chúng tôi phát hiện khoảng thời gian con đường được xây dựng. Sẽ là cùng hoặc sau năm đồng tiền ra đời", Tiến sỹ Donald Ariel, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy, để xây dựng con đường cổ dài 600 m này, những công nhân thời xưa phải sử dụng tới 10.000 tấn đá vôi, đồng thời cho thấy kỹ năng xây dựng điêu luyện của con người thời đó.
Đây là tuyến đường quan trọng vì kết nối hai địa điểm của Do thái giáo và Kitô giáo tại Jerusalem, bao gồm hồ Siloam và Núi Đền. Được biết, Núi Đền nằm trong thành phố cổ Jerusalem vốn tôn sùng như một thánh địa suốt hàng ngàn năm qua.
Theo Tiến sĩ Joe Uziel, thuộc Cơ quan Cổ vật Israel, nếu đây chỉ là lối đi đơn giản kết nối từ điểm A tới điểm B sẽ không cần xây dựng con đường lớn "hoành tráng" tới vậy. Nơi hẹp nhất của con đường cũng dài 8 m với những phiến đá được gọt đẽo tinh tế, nhiều vật trang trí để cho thấy công trình rất đặc biệt.
Những viên đá lát đường được tìm thấy ẩn dưới lớp gạch vụn. Nhiều khả năng do người La Mã tới chiếm và phá hủy thành phố vào năm 70. Nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể Pontius Pilate xây dựng con đường này để giảm sự căng thẳng với người Do Thái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!