Rio de Janeiro của Brazil là một thành phố không thực sự giàu có, không phải thuộc Top những mảnh đất phát triển trên thế giới nhưng nơi đây có thể đang trở thành hình mẫu đô thị của tương lai. Rio de Janeiro đang đi đầu trong xu hướng trở thành một đô thị thông minh. Thành phố này kỳ vọng mô hình đô thị thông minh sẽ là con đường để giải quyết sức ép cho các đô thị phát triển.
Thế giới đang ngày càng trở nên hỗn tạp hơn. Những thành phố có tốc độ phát triển nhanh phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ.
Rio de Janeiro, một thành phố của du lịch, với văn hóa phong phú, cuộc sống sôi động, thiên nhiên tươi đẹp nhưng cũng nổi tiếng với tội phạm, hạ tầng cũ kỹ và thiên tai. Với dân số đã hơn 6 triệu, giờ đây Rio đang chuẩn bị đón nhận thêm hàng triệu người nữa khi nơi đây sẽ diễn ra World Cup 2014 và Olympic 2016.
Rio hiểu rằng giờ là lúc để đề ra một kế hoạch quản lý đô thị hoàn toàn mới trước khi số lượng xe cộ và cư dân phá vỡ mọi giới hạn chịu đựng của thành phố này. Và tại Rio, một trung tâm công nghệ cao đang được kỳ vọng sẽ đem đến chìa khóa giải quyết bài toán phát triển đô thị.
Ở thành phố có một màn hình khổng lồ cập nhật từng giây những diễn biến trên đường phố, tàu điện ngầm và những vệ tinh thời tiết. Các dữ liệu được thu về từ những camera và hệ thống cảm biến cập nhật những diễn biến mới 24/24. Trung tâm không chỉ thu nhận, xử lý mà cả tiên đoán những sự cố có thể xảy ra.
Hệ thống dự báo thời tiết cũng luôn được cập nhật. Đi vào hoạt động từ năm 2010, trung tâm đầu não của Rio đã kịp thời phát tín hiệu cảnh báo sau khi nhận thấy nguy cơ lở đất tại khu sườn đồi Favela, chuyển luồng giao thông khi tắc nghẽn xảy ra và họ cũng sẽ phải xử lý những thách thức như những đụng độ, bạo lực như hồi diễn ra cúp liên đoàn vào năm 2013.
Thị trưởng Eduardo Paes cho rằng, trung tâm này được sinh ra là để đối mặt với thách thức. Ông chia sẻ: “Nó giống như trái tim của thành phố, là trung tâm của mọi hoạt động. Tất cả mọi quyết đinh, kế hoạch và mọi thứ đều được đưa ra từ đây”.
Ví dụ gần đây nhất là một chiếc cần cẩu đổ sập đã cắt đứt cây cầu huyết mạch của thành phố này. Với sự điều phối hoạt động của trung tâm, sự cố đã được giải quyết 9 tiếng sau đó hay một sự cố tương tự cách đây 3 năm đã khiến Rio bị tê liệt trong nhiều ngày.
Năm 2013, Rio đã được Hội nghị quy hoach đô thị quốc tế trao danh hiệu thành phố thông minh của thế giới.
Ông Eduardo Paes nói: “Chúng tôi không được hiện đại như London, Tokyo, Hong Kong hay New York. Nhưng chúng tôi đã có thể tận dụng công nghệ hữu ích hơn các thành phố kia”.
Và tất nhiên, chưa một thành phố nào sẽ liên tiếp đăng cai 2 sự kiện thể thao lớn nhất thế giới là World Cup và Olympic như Rio. Chính vì thế, thành phố thông minh Rio đang đứng trước thách thức lớn, nhưng nếu thành công, đó sẽ là hình mẫu để cả thế giới học tập.
Mời các bạn theo dõi chi tiết: