Sa Pa nỗ lực xóa tình trạng đeo bám du khách

Theo TTXVN-Thứ tư, ngày 27/05/2015 09:05 GMT+7

VTV.vn - Ngày 26/5, UBND huyện Sa Pa phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến công tác quản lý du lịch dịch vụ.

Niêm yết giá công khai và xóa tình trạng đeo bám du khách là hai vấn đề "nóng" được các đại biểu quan tâm bàn thảo nhiều nhất tại hội nghị.

Theo đánh giá, thời gian qua, đa số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Sa Pa đã tiến hành kê khai, niêm yết giá công khai, phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cơ sở tăng giá phục vụ, chưa niêm yết công khai bảng giá, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ, tết, gây khó khăn cho du khách và công tác quản lý.

Tại hội nghị lần này, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đã được hướng dẫn về thủ tục thẩm định cơ sở lưu trú, kê khai, niêm yết giá và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đại diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng đã trao đổi với chính quyền, Hiệp hội Du lịch Sa Pa và ngành chức năng về vấn đề quản lý giá, kê khai, niêm yết giá dịch vụ lưu trú, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đảm bảo hài hòa lợi ích của du khách và cơ sở kinh doanh trong thời gian tới.

Trước đó huyện Sa Pa cũng đã có phương án đề cập đến việc cân bằng lợi ích giữa phát triển du lịch với nâng cao thu nhập cho người dân bản địa. Trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tạo việc làm, xóa bỏ dần tình trạng đeo bám du khách bằng việc tạo cho người dân địa phương có không gian vui chơi, sinh hoạt văn hóa, hoạt động thương mại ở các điểm du lịch.

Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Pa, hiện trên địa bàn có trên 500 người chuyên hành nghề bán hàng rong. Trong hầu hết các báo cáo của cơ quan chức năng trên địa bàn, khi nhắc đến vấn đề này thường chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu là do đời sống của một bộ phận người dân hiện nay còn thấp, thiếu việc làm, trình độ dân trí chưa cao… Tuy nhiên, có một nguyên nhân chưa được đề cập là công tác đào tạo nghề cho người lao động được triển khai tại địa phương trong những năm qua còn thiếu các lớp học về kiến thức thương mại.

Giai đoạn 2010 - 2014, huyện Sa Pa mở được 40 lớp đào tạo các nghề như thêu, may thổ cẩm, trồng lanh, trồng rau, trồng cây ăn quả đặc sản, kỹ thuật rèn đúc cơ khí nhỏ… cho 1.279 lao động nông thôn. Tuy nhiên các lớp đào tạo chỉ chú trọng đến vấn đề làm ra sản phẩm, thiếu phần đào tạo, hướng dẫn tiêu thụ những sản phẩm đó. Do vậy, để du lịch Sa Pa phát triển bền vững cần có cơ chế ràng buộc chia sẻ lợi ích giữa các doanh nghiệp dịch vụ với người dân địa phương nhằm giải quyết tận gốc vấn đề đeo bám du khách trong những năm tới.

Trao đổi về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, Sa Pa sẽ thiếu sắc mầu hấp dẫn du khách nếu thiếu hình ảnh bà con địa phương mặc đồ thổ cẩm ra các điểm du lịch ngồi xe đay, thêu thổ cẩm, bán các sản phẩm. Chỉ cần họ có mặt thôi cũng đã là nét độc đáo rồi, nếu họ thổi khèn, thổi sáo ở nơi đó thì hãy coi họ là “những nghệ nhân, nghệ sĩ đường phố”. Việc làm cần thiết của huyện Sa Pa là tổ chức khảo sát, quy hoạch không gian cụ thể trên từng điểm du lịch để hoạt động này đi vào nền nếp và có lợi ích từ thu nhập chính đáng của người dân.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước