Vĩnh Phúc - Điểm dừng mới cho khách du lịch tâm linh

Bích Vân-Thứ tư, ngày 16/04/2014 11:39 GMT+7

Trong việc tạo dựng thương hiệu du lịch sinh thái tâm linh, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh việc tạo ra những trục tâm linh, định hình con đường hành hương của du khách.

Ngành văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung xây dựng thương hiệu du lịch với khẩu hiệu “Đến với Phật, về với Mẫu”. Để xây dựng thương hiệu này, trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã chú trọng tôn tạo, đầu tư tu bổ, xây dựng những điểm đến tâm linh trải rộng trong toàn tỉnh, từ thành phố Vĩnh Yên cho đến Tam Đảo, Tây Thiên.

Định hướng này đã tạo đà phát triển du lịch bền vững cho Vĩnh Phúc, thu hút gần 2 triệu lượt du khách đến thăm vào năm 2013 với doanh thu gần 800 tỷ đồng, trở thành 1 trong 3 tỉnh có doanh thu du lịch cao nhất ở vùng đồng bằng Sông Hồng.

‘ Toàn cảnh Bảo tháp Mandala Tây Thiên .

Đại Bảo tháp Giác Ngộ là ngôi bảo tháp thứ 2, sau Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên của Vĩnh Phúc đã được động thổ xây dựng ngay trong khuôn viên của chùa Hà Tiên - một ngôi chùa có lịch sử lâu đời nằm trong lòng thành phố Vĩnh Yên. Bà con Phật tử chùa Hà Tiên đã vinh dự được đón Trưởng dòng truyền thừa thứ 12 Phật giáo Nepal Gywang Drukpa cùng tăng đoàn trong chuyến hành trình của Ngài tới Việt Nam có mặt trong buổi lễ trang nghiêm này. Đại bảo tháp Giác Ngộ có chiều cao 28,5m, khi hoàn thành sẽ trở thành một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Kim cương thừa - phổ biến tại các quốc gia Phật giáo như Ấn Độ, Nepal, Butan hay Tây Tạng, Trung Quốc.

Trong việc tạo dựng thương hiệu du lịch sinh thái tâm linh, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh việc tạo ra những trục tâm linh, định hình con đường hành hương của du khách. Chùa Hà Tiên là điểm đầu đi đến Tây Thiên, Tam Đảo, kết nối với Văn Miếu của tỉnh - nơi tri ân 392 vị danh nhân của Vĩnh Phúc từ năm 1124 đến năm 1919.

Ngôi chùa này được xây dựng trên nền ngôi cổ tự thời Lý Trần, đã được phục hồi để trở thành trung tâm tu tập lớn của Tăng Ni - nơi hoằng Pháp cho đông đảo Phật tử. Vườn tháp trong chùa với nguyên vẹn 8 ngôi cổ tháp mang đặc điểm của mộ tháp sư thời Hậu lê và thời Nguyễn đã trở thành nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về giá trị kiến trúc nghệ thuật loại hình tháp mộ này.

Vĩnh Phúc không chỉ nổi danh là vùng đất đậm đà tín ngưỡng thờ Mẫu nguyên thuỷ mà còn là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Tại mảnh đất này đang nối tiếp và kế thừa những tinh tuý của Phật giáo Kim cương thừa Drukpa từ nhiều năm nay.

Những chuyến hành hương của hàng vạn bà con Phật tử trong những buổi lễ về với Phật, với Mẫu đã cho thấy sức hút của mảnh đất này trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Dường như, giá trị tâm linh cùng kho tàng văn hoá đang trao cho nơi này cơ hội lớn để phát triển văn hoá và du lịch.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước