Đua xe F1: Áp lực tài chính - gánh nặng cho những đội đua có ngân sách hạn chế

Đình CườngCập nhật 06:09 ngày 18/04/2020

VTV.vn - Bên cạnh việc hỗ trợ chống dịch COVID-19, các đội F1 còn có những mối quan tâm khác, đó là giảm tối đa tác động tiêu cực tới tình hình tài chính của mình.

Hiện tại F1 có 10 đội đua, nhưng sự phân hóa về mặt tài chính là khá rõ ràng. Nhóm 3 đội Ferrari, Mercedes và Red Bull có khả năng cạnh tranh cho ngôi vô địch, nguồn lực tài chính dồi dào và luôn sẵn sàng đầu tư về công nghệ và nhân lực tối đa. Nhóm còn lại gồm 7 đội, đa phần đều là những đội tầm trung và nhỏ. Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn, theo hướng tiêu cực, tới tình hình tài chính của các đội nhóm này.

Đua xe F1: Áp lực tài chính - gánh nặng cho những đội đua có ngân sách hạn chế - Ảnh 1.

Tuần trước, đội Williams đã phải thế chấp nhà xưởng và một phần bộ sưu tập xe đua của mình để nhận khoản tiền từ các nhà tài trợ. Nếu không có nguồn tiền này, khả năng đội đua từng rất thành công trong thập niên 80 thế kỷ 20 sẽ bị phá sản. Năm ngoái, 2 tay đua của đội là Robert Kubica và George Russell chỉ giành đúng 1 điểm, bởi chiếc xe của họ quá thua kém về tốc độ so với các đối thủ. Việc không có được thành tích tốt càng khiến Williams khó thu hút nhà tài trợ, đồng thời không thể nâng cấp xe của mình nhiều như những đội khác.

Đua xe F1: Áp lực tài chính - gánh nặng cho những đội đua có ngân sách hạn chế - Ảnh 2.

Không quá ảm đạm như Williams, nhưng các đội như McLaren, Haas, Renault cũng đều rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Không có chặng đua, nhưng đội vẫn phải chi tiền trả lương, nghiên cứu, phát triển xe của mình. Việc đề nghị giảm lương nhân viên và các tay đua là điều không ai muốn, nhưng là cách để họ duy trì hoạt động trong thời gian này. Tất cả đều chỉ mong dịch bệnh sớm đi qua và các cuộc tranh tài sớm trở lại.