Tạo cơ hội cho mọi học sinh được sáng tạo
Phát biểu tại lễ Khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Ở Việt Nam, cuộc thi KHKT lâu nay đã trở thành một sân chơi trí tuệ quen thuộc với học sinh trung học. Từ năm học 2011-2012, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai hiệu quả từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia, các cuộc thi được tổ chức thường niên, nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của nhiều lực lượng xã hội, tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ về quan niệm dạy học cũng như đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Cuộc thi cũng là một trong những dấu ấn thể hiện sự hội nhập của giáo dục Việt Nam với thế giới hiện đại, là lĩnh vực nâng cao vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trong những năm qua, Bộ GDĐT đã cử nhiều lượt học sinh tham dự Cuộc thi KHKT quốc tế (ISEF), các cuộc thi, triển lãm quốc tế về sáng tạo KHKT và thu được nhiều kết quả rất đáng tự hào.
Thứ trưởng cho hay, trong năm học 2020-2021 và 2021-2022 vừa qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 nhưng cuộc thi KHKT ở tất cả các cấp học vẫn được tổ chức thành công, lựa chọn được những dự án có chất lượng cao tham dự thi quốc tế bằng hình thức trực tuyến và đều đạt giải cao. Đó là bằng chứng thuyết phục về tinh thần hiếu học, khát vọng của học sinh Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kêu gọi các địa phương, các thầy giáo, cô giáo, các nhà khoa học hãy đồng lòng tìm giải pháp, có giải pháp và đề xuất giải pháp mở rộng hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường phổ thông. Từ đó, tạo đà, tạo nguồn và tạo sức bền cho cuộc thi KHKT các cấp theo định kì hằng năm, để góp phần thành công hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Các đội thi giới thiệu tại lễ khai mạc
Để làm được điều đó, theo Thứ trưởng, mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi nhà khoa học phải có trách nhiệm giúp cho mỗi học sinh hiểu rằng: Bất kì thành tựu KHKT nào cũng đều là kết quả của sự sáng tạo. Hiểu một cách đơn giản, sáng tạo là tạo ra cái mới. Cụ thể, đó là một sản phẩm mới, một cách kết hợp mới, một quan niệm mới, một ý tưởng mới và phải có ích, mang ý nghĩa tích cực, đáp ứng được những nhu cầu từ thực tiễn, giải quyết được những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
"Thành quả của sáng tạo không được tạo ra từ cách tư duy theo số đông. Vì vậy hãy tự chủ, độc lập trong tư duy và biết tự mình tìm kiếm hướng đi riêng của mình trong nghiên cứu khoa học, phát hiện và phát huy tất cả thế mạnh của chính mình. Thành quả của sáng tạo không thể được nảy sinh từ những nền móng trí tuệ không vững chắc. Vì vậy, đừng coi thường những kiến thức cơ bản trong nhà trường", Thứ trưởng nói.
143 dự án thuộc 17 lĩnh vực tham dự cuộc thi năm 2023
Thông tin tại lễ Khai mạc, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, cuộc thi năm nay có sự tham dự của 70 đơn vị, bao gồm 59 sở GDĐT, 11 trường phổ thông trực thuộc Bộ GDĐT, thuộc các trường đại học và thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Tham gia có 143 dự án của 272 học sinh, trong đó có 48 học sinh cấp THCS và 224 học sinh cấp THPT.
Các dự án tham dự cuộc thi năm nay thuộc 17 lĩnh vực bao gồm: Hệ thống nhúng; Hóa học; Hóa Sinh; Khoa học động vật; Khoa học thực vật; Khoa học vật liệu; Khoa học xã hội và hành vi; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật y sinh; Năng lượng: Vật lí; Phần mềm hệ thống; Rô bốt và máy tính thông minh; Vật lí và Thiên văn; Vi sinh; Y học chuyển dịch; Y sinh và khoa học sức khỏe.
Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học được tổ chức nhằm góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục trung học; góp phần thành công việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dự án của học sinh tỉnh Vĩnh Long tại cuộc thi
Thông qua đó, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học. Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hoá, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế. Đây cũng là cơ hội chuẩn bị cho học sinh trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong các trường trung học, để thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Các em học sinh có dự án đoạt giải Nhất, Nhì, Ba sẽ được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Học sinh có dự án đoạt giải Nhất, Nhì sẽ được tặng Huy hiệu tuổi trẻ. Quỹ Vifotec sẽ tặng giấy khen cho các học sinh có dự án đoạt giải Tư và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen cho các giáo viên hướng dẫn có học sinh đoạt giải Nhất tại Cuộc thi. Những dự án tốt nhất cũng sẽ được chọn tham gia Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (ISEF).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!