2,6% học sinh 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử

PV-Thứ sáu, ngày 04/06/2021 06:28 GMT+7

VTV.vn - Thanh thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống vẫn thử và bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử trên toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam.

2,6% học sinh 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử

Tại hội thảo, ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là hai loại thuốc lá thế hệ mới phổ biến hiện nay, chưa được phép kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.

2,6% học sinh 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Bộ GDĐT

Dù vậy, qua các nghiên cứu cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới tương đối đáng kể, với tốc độ đang gia tăng, làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá nói chung, đồng thời giảm hiệu quả của công tác phòng, chống thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua.

Đáng chú ý, thanh thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống vẫn thử và bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử trên toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam. Cùng với đó là gánh nặng "nghiện kép" khi người đang hút thuốc lá điếu thông thường sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn những người không hút thuốc lá.

Kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019 cho biết, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, mọi sản phẩm thuốc lá đều gây hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, xã hội, kinh tế. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trong đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người chưa hút thuốc lá.

Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất chưa cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm gây nghiện và chưa có phương pháp cai nghiện riêng này, cũng như không thí điểm sản xuất, kinh doanh, sử dụng. Thay vào đó, cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu và tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, nhất là trong các trường học.

Từ góc độ chuyên môn, ThS.BS Vũ Văn Thành, Khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương đã cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn và tác hại của thuốc lá điện tử. Với thanh thiếu niên, thuốc lá điện tử gây nghiện và có thể gây ra những thay đổi có hại cho não đang phát triển, làm gián đoạn sự phát triển của các mạch não. Nồng độ nicotin cao ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ….

"Nhiều bằng chứng cho thấy, việc cho phép bán dù là thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng, thậm chí được quản lý chặt chẽ, sẽ đều mang lại tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng", bác sĩ Vũ Văn Thành khẳng định.

Thanh thiếu niên là khách hàng mục tiêu thuốc lá điện tử

Đại diện đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo, ThS. Lê Thị Thu, Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ, tuy xuất hiện muộn nhưng thuốc lá điện tử gia tăng đột biến. Bởi thanh thiếu niên được xác định là chìa khóa thị trường, là mục tiêu nhắm tới của các công ty thuốc lá.

2,6% học sinh 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử - Ảnh 2.

ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trình bày báo cáo

Chính vì vậy, từ thiết kế, hương vị đến chiến lược quảng cáo, bán hàng thuốc lá điện tử đều hướng đến giới trẻ, tạo nên trào lưu, phong cách hấp dẫn giới trẻ. Thuốc lá điện tử có giá thành rẻ, dễ tiếp cận, dễ mua thông qua các mạng xã hội, trang web, trang thương mại điện tử, cửa hàng bán lẻ, hội nhóm,...

Theo điều tra tại Hà Nội và TP HCM của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, Tổ chức Campain for Tobacco Free Kids, trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m quanh mỗi trường học. Đại diện Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam nhấn mạnh: "Các trường học đang bị "bao vây" bởi các cửa hàng có bán thuốc lá điện tử".

Trao đổi về kinh nghiệm và khó khăn trong công tác giáo dục, phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học, ông Dương Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM bày tỏ mong muốn sớm có căn cứ pháp lý để kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc lá điện tử quanh trường học, mạng xã hội,…

Ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết của tài liệu tập huấn, tuyên truyền, đồng thời, quán triệt không sử dụng thuốc lá trong trường học đối với cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục.

Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT Đà Nẵng, cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình, biết cách phòng tránh, biết nói không trước những rủ rê, cám dỗ. Bằng các việc làm cụ thể, giáo viên quan tâm sâu sát tới tâm tư, hoàn cảnh, sự thay đổi của từng em học sinh, phối hợp chặt chẽ với gia đình, tìm nguyên nhân cụ thể để có giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Ký cam kết giữa Ban giám hiệu với phụ huynh, học sinh ngay từ đầu năm học; tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức; thành lập lực lượng giám sát trường học; tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh; câu lạc bộ truyền thông do chính học sinh nhà trường phụ trách,… là những nỗ lực, kinh nghiệm được đại diện lãnh đạo Trường THPT Minh Khai, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo.

Tăng nhận thức, khả năng tự phòng vệ cho học sinh

Tại hội thảo, báo cáo về các giải pháp của ngành Giáo dục về phòng chống thuốc lá thế hệ mới trong trường học, đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Thể chất nhấn mạnh đến công tác ban hành các văn bản, chỉ đạo, đưa những điều luật phòng, chống tác hại thuốc lá vào các Điều lệ trường học, quy định; lồng ghép trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, trong nội dung chương trình môn học, hoạt động ngoại khoá; đẩy mạnh truyền thông giáo dục. Công tác kiểm tra liên ngành và nghiên cứu, khảo sát cũng được chú trọng.

2,6% học sinh 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử - Ảnh 3.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Tuy nhiên, công tác này còn gặp không ít khó khăn. Theo đại diện Vụ Giáo dục Thể chất, một bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên vẫn còn sử dụng thuốc lá, tạo hình ảnh xấu trong việc nêu gương. Công tác tuyên truyền chưa hấp dẫn, thuyết phục học sinh, sinh viên. Chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả sự tiếp cận mạnh mẽ của thuốc lá điện tử, thực trạng buôn bán thuốc lá phổ biến quanh khu vực trường học.

Trong thời gian tới, là đơn vị tham mưu, Vụ Giáo dục Thể chất kiến nghị một số giải pháp cơ bản như quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử; tăng cường, đổi mới công tác truyền thông; tăng cường kiểm tra, giám sát liên ngành; tích cực tập huấn, chỉ đạo lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục vào môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm;…

Đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, với trách nhiệm của mình, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ ngành trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Giáo dục, ban hành các văn bản, xây dựng trường học không khói thuốc,…

Trong thời gian tới, Thứ trưởng cho rằng cần chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, theo cách hướng dẫn các em học sinh tìm hiểu, đánh giá, hiểu rõ tác hại, cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng nhận diện, phòng tránh tác hại của thuốc lá.

Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, làm rõ đầu mối, trách nhiệm của bên, của địa phương, cũng như sự phối hợp của Sở GDĐT với địa phương cấp huyện, xã trong công tác này. Sự phối hợp của nhà trường với công an, y tế địa phương cũng hết sức quan trọng.

"Nếu thiếu kiến thức, phương pháp, mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội thì chúng ta không thể bảo vệ các em", Thứ trưởng nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước