Sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển, nhiều thí sinh và phụ huynh đã hết sức bất ngờ khi điểm chuẩn năm nay cao đột biến hơn mọi năm. Đặc biệt là trường hợp điểm chuẩn D01 với nữ ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện An ninh Nhân dân) lên đến 30,5 điểm. Điều đó có nghĩa rằng nếu giành số điểm tuyệt đối ở cả 3 môn nhưng không có thêm bắt cứ điểm ưu tiên nào thì thí sinh đó vẫn sẽ trượt ở ngành học này.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thí sinh đạt tới hơn 29 điểm vẫn không đỗ vì những tiêu chí phụ cũng gây nên nhiều sự hoang mang.
Một lần nữa, kỳ thi đại học lại khiến dư luận đặt ra cho các nhà làm giáo dục nhiều câu hỏi…
Không nên nhìn cả kỳ thi bằng một trường hợp cá biệt
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh minh họa)
Chia sẻ về việc điểm thi năm nay cao, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định rằng nhìn chung, điểm thi có cao hơn mọi năm tuy nhiên không thể nói là bất thường bởi nếu theo dõi sát sao, đây là điều có thể dự liệu được.
"Tại sao điểm năm nay lại cao? - Bởi vì năm nay tổ chức các môn thi theo dạng đề trắc nghiệm và trắc nghiệm là hình thức thi dễ gỡ điểm cho các bạn thí sinh" – bà Phụng cho hay.
Trong trường hợp thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở cả 3 môn vẫn không đỗ ĐH như đã đề cập, bà Phụng khẳng định trường hợp nữ thí sinh đạt 30 điểm không đỗ vào ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện An ninh Nhân dân) là trường hợp cá biệt và không thể nhìn vào một trường hợp đặc biệt như thế để đánh giá về một kỳ thi.
Lý giải cho quan điểm của mình, bà Phụng chia sẻ: "Điểm trúng tuyển 30,5 là điểm của một trường thuộc ngành Công an. Mọi năm ngành Công an luôn là một trong những ngành có điểm trúng tuyển cao. Nhưng khác mọi năm, năm nay ngành Công an không xét tuyển Cao đẳng mà chỉ xét tuyển Đại học. Bên cạnh đó, chỉ tiêu của ngành Công an năm nay giảm hơn 54% so với năm ngoái bởi biên chế cho ngành Công an đang được định lượng lại".
"Vào đại học ngành Công an cũng đồng nghĩa với việc vào biên chế nhà nước vì thế nhiều bạn có nguyện vọng được học ngành này. Ngoài ra, đặc thù của ngành Công an là tuyển rất ít nữ, chỉ 10% thí sinh nữ trúng tuyển. Một cánh cửa rất hẹp như vậy đã khiến xảy ra trường hợp đặc biệt 30 điểm không trúng tuyển. Nếu chúng ta phác hoạ cả một kỳ thi bằng một trường hợp như thế thì sẽ không còn đúng nữa" – bà Phụng cho biết thêm.
Cũng chia sẻ về việc một số trường hợp 30 điểm không trúng tuyển nguyện vọng 1, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cũng lý giải rằng thực tế nếu không trúng nguyện vọng 1, các thí sinh cũng đã được xét tuyển các nguyện vọng khác. Bên cạnh đó, năm nay không có giới hạn về việc đăng ký nguyện vọng của các thí sinh, vì thế, chắc chắn không có trường hợp 30 điểm bị trượt đại học mà sẽ được nhập học ở những nguyện vọng có điểm trúng tuyển thấp hơn.
Tiêu chí phụ là công bằng khi cánh cửa trúng tuyển không đủ rộng cho tất cả thí sinh bằng điểm
Việc nhiều trường đưa ra những tiêu chí phụ khiến không ít thí sinh tiếc nuối, chán nản bởi dù điểm đã đủ để trúng tuyển, tuy nhiên, các em vẫn trượt vì không đáp ứng được tiêu chí phụ. Nhiều câu hỏi được đặt ra về tính đúng đắn của tiêu chí phụ cũng đã được bà Nguyễn Thị Kim Phụng giải đáp với VTV.
"Tiêu chí phụ trong tuyển sinh đã tồn tại trong nhiều năm. Tiêu chí phụ không phải để đánh trượt các em điểm cao mà để lựa chọn trúng tuyển trong số các em bằng điểm nhau. Nếu như các em bằng điểm ở danh sách trúng tuyển nhưng chỉ tiêu tuyển sinh thì hết rồi, chắc chắn trường sẽ không thể lấy được hết các em bằng điểm đó mà phải căn cứ vào tiêu chí phụ để xem xét xem trong số những em bằng điểm đó thì lựa chọn ai" – bà Phụng chia sẻ - "Thông thường các trường sẽ đặt ra những tiêu chí phụ phù hợp với yêu cầu của ngành được tuyển. Ví dụ một số ngành tự nhiên hay kỹ thuật, các trường sẽ chọn ưu tiên môn Toán hay môn Lý cao hơn trong số những người bằng điểm. Hay như những ngành có tính hội nhập cao, có thể trường sẽ yêu cầu môn tiếng Anh cao hơn... Có lẽ, tiêu chí phụ cũng đảm bảo sự công bằng trong điều kiện cánh cửa trúng tuyển đại học không đủ rộng cho tất cả các thí sinh bằng điểm".
Khi nào còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng miền thì điểm ưu tiên còn cần thiết
Điểm ưu tiên cũng là vấn đề khiến nhiều thí sinh dự thi ở khu vực 3 phàn nàn khi điểm thực lực cao hơn nhưng tổng điểm vẫn thấp hơn những thí sinh ở 2 khu vực thi còn lại do không được cộng điểm ưu tiên. Nhiều thí sinh ở khu vực 3 thậm chí còn "ước" rằng nhà mình ở nông thôn, có ruộng, vườn… để có thể được cộng điểm ưu tiên. Một số đưa ra phương án rằng nên chăng chỉ hỗ trợ về tài chính, học phí cho các thí sinh khu vực ưu tiên hơn là cộng điểm quá nhiều, gây thiệt thòi cho các thí sinh đến từ khu vực không được cộng điểm ưu tiên.
Bà Phụng cho hay: "Việc hỗ trợ về mặt tài chính chỉ đúng với những thí sinh không có điều kiện về mặt kinh tế mà thôi. Ví dụ thế này, nhiều thí sinh ở miền núi, gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng không thể có trường tốt, thầy tốt để theo học… Khi nhìn về điểm ưu tiên, chúng ta cần xét một cách tổng thể về sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các khu vực, giữa các đối tượng khác nhau chứ không nhìn cụ thể vào một gia đình này hay một gia đình kia. Vì thế, khi nào còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng miền thì điểm ưu tiên còn cần thiết, để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh. Không vì không có điều kiện học tập bằng khu vực khác mà các thí sinh đó không có cơ hội phấn đấu trong học tập. Hơn nữa, nhìn một cách tổng thể, tỷ lệ thí sinh đỗ đại học ở khu vực không ưu tiên vẫn nhiều hơn khu vực được ưu tiên.
Đối chiếu sang hệ thống đào tạo đại học của Mỹ, một thí sinh đặt câu hỏi rằng những du học sinh Việt Nam dù thiếu thốn nhiều mặt so với những thí sinh bản địa, không được ưu tiên bất cứ điều gì, tuy nhiên, vẫn đạt điểm cao hơn nhiều thí sinh địa phương, vậy liệu có nên suy nghĩ tới việc bỏ điểm ưu tiên hay không, bà Phụng khẳng định rằng điều đó không phù hợp với nền giáo dục Việt Nam hiện tại.
"Ở mỗi quốc gia khác nhau, người ta có những căn cứ tuyển sinh khác nhau. Ở Việt Nam, tuyển sinh hiện chỉ dựa độc tôn vào điểm thi của 1 kỳ thi. Còn trường hợp tuyển sinh ở một số quốc gia, họ không độc tôn tuyển sinh dựa vào điểm thi của 1 kỳ thi. SAT (một kỳ thi bắt buộc để tuyển sinh tại Mỹ) chỉ là một yếu tố để tuyển sinh và các trường tại đây không có điểm chuẩn. Ở đó, người ta xét tuyển sinh bằng cách đánh giá toàn diện về thí sinh đó, kể cả thành tích học tập, công tác xã hội, cố gắng của bản thân trong quá trình học tập kéo dài… và cũng tính tới điều kiện học tập của từng môn. Khi một thí sinh được công bố trúng tuyển, các thí sinh khác hiểu rằng đó là quyền lựa chọn thí sinh của một ngôi trường cụ thể mà không bao giờ thắc mắc rằng tại sao trường lại chọn người điểm thấp, loại người điểm cao… Vì người ta không có điểm trúng tuyển, nên không có điểm ưu tiên. Vì vậy, chúng ta không thể so sánh những căn cứ tuyển sinh khác nhau.