Những mặt tích cực và hạn chế của ngành Giáo dục đã được nêu lên tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV về một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có 4 nội dung chính được đưa ra. Trong đó, về việc đánh giá về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả nhưng còn tồn tại một số hạn chế.
Cụ thể, ngành Giáo dục đã quán triệt, tổ chức tuyên truyền Nghị quyết 29 đến từng cơ sở giáo dục, cán bộ và giáo viên; ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam; đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo; đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục còn một số hạn chế như: Công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả chưa cao; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, cơ cấu không hợp lý, trình độ không đồng đều; cơ sở vật chất trường, lớp học còn rất thiếu; công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt; chất lượng đào tạo đại học còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội; hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo chưa sâu, rộng.
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Giáo dục tập trung khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi và kết quả đã đạt được. Trong năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo phải tăng cường kỷ cương, nề nếp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thường xuyên nhắc tới 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu ngành Giáo dục sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới.
Đồng thời, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 và Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, ngành Giáo dục sẽ đưa ra một số kiến nghị. Trong đó, ngoài việc đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội (Luật Nhà giáo - năm 2018 và Luật Giáo dục sửa đổi - năm 2019), ngành Giáo dục còn đề xuất xem xét miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là người dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh trung học cơ sở theo lộ trình đến năm 2020. Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng ủng hộ việc phân bổ vốn trái phiếu cho giáo dục để tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học.
9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu ngành Giáo dục sẽ tập trung triển khai:
(i) Rà soát, quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo trong cả nước;
(ii) Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp;
(iii) Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông;
(iv) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;
(v) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục;
(vi) Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học;
(vii) Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo;
(viii) Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo;
(ix) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!