Một chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đó là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chủ trương bỏ công chức, viên chức giáo viên.
Thực tế, từ năm 2012, giáo viên được tuyển mới vào các trường công lập đã không còn được xét vào biên chế, họ ký hợp đồng làm việc và được xác định là viên chức lao động. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có đề xuất từng bước sẽ chuyển sang chỉ ký hợp đồng lao động với các giáo viên. Nếu chủ trương này trở thành sự thật, nhiều người cho rằng sẽ tạo nên bước ngoặt lớn trong giáo dục. Nhưng đồng thời, đây cũng là chủ trương hết sức nhạy cảm do nó tác động tới hàng triệu giáo viên trong cả nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chủ trương chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động không chỉ giúp tạo động lực cho giáo viên đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo trong hoạt động giảng dạy; mà còn tạo ra cơ chế mới để giúp chi trả thu nhập xứng đáng cho những giáo viên có tài năng, tâm huyết và sàng lọc, loại bỏ những giáo viên kém chất lượng, trì trệ, thiếu nhiệt huyết khỏi môi trường học đường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đây mới chỉ là chủ trương ban đầu. Tuy nhiên, với những phản ứng của dư luận trong thời gian vừa qua, có thể thấy, chủ trương này cần được xem xét, nghiên cứu thật sự kỹ lưỡng và khoa học, trên cơ sở đánh giá tác động tới toàn hệ thống giáo dục phổ thông. Bởi vì bất cứ thay đổi nào, đặc biệt là với đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp, cũng có thể gây ra những xáo trộn không nhỏ đối với hoạt động dạy và học.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!