Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 công bố ngày 16/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến bỏ quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) vốn đã tồn tại nhiều năm qua. Chủ trương này đang gây ra những ý kiến trái chiều. Trong đó, nổi bật là những lo ngại về loạn chất lượng - nhất là với các trường ngoài công lập và làm cho việc phát triển bậc học CĐ càng thêm khó khăn.
Bước tiến trong việc trao quyền tự chủ
Bỏ quy định về điểm sàn chính là một bước tiến trong việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Cần lưu ý, bỏ điểm sàn chỉ có nghĩa là Bộ GD-ĐT không bắt buộc các trường phải tuyển sinh trên một ngưỡng đầu vào nhất định, chứ bộ không cấm các trường tự quy định điểm sàn cho mình.
Bài toán xác định điểm sàn như thế nào đang được trao về cho các trường. Có khả năng những trường đưa ra điểm sàn càng cao thì uy tín của họ càng lớn. Điểm sàn là một trong những dấu hiệu của "đẳng cấp". Các trường sẽ phải tự mình giải quyết tình thế lưỡng nan giữa số lượng và chất lượng, tùy theo tầm nhìn, chiến lược và phân khúc thị trường mà họ lựa chọn.
Tuy nhiên, cũng có khả năng các trường mở rộng cửa đầu vào không giới hạn điểm sàn do họ có chiến lược riêng và tự tin vào khả năng mang lại giá trị gia tăng cho người học, đặc biệt là các trường có những bài trắc nghiệm riêng để đánh giá năng lực của người học mà không dựa vào điểm thi như là yếu tố duy nhất. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng các trường "vơ bèo vạt tép", miễn sao có người học để có nguồn thu và duy trì sự tồn tại của mình, bất kể năng lực và kết quả học tập của người học, biến nhà trường thành một cỗ máy bán bằng về bản chất.
Điều quan trọng là với chủ trương bỏ điểm sàn của Bộ GD-ĐT, các trường được quyền tự do lựa chọn việc định nghĩa họ là ai, tồn tại bằng cách gì và hình dung như thế nào về tương lai của mình.
Ai sẽ bảo vệ người học?
Những lo ngại về "loạn chất lượng" xuất phát từ các quan niệm truyền thống về bản chất của giáo dục ĐH và về lối tổ chức đào tạo hiện nay của Việt Nam.
Đến nay, không ít người vẫn nghĩ rằng ĐH là để đào tạo những người làm quan, làm thầy, làm chủ, vì thế là đặc quyền của một số ít trong xã hội. Kinh tế tri thức đã làm cho điều này thay đổi, ĐH trở thành nơi đào tạo lao động có kỹ năng và nâng cao phẩm chất công dân. Nó không nên là đặc quyền mà cần mở rộng cho mọi đối tượng.
Xu hướng thế giới ngày nay là ngày càng nhấn mạnh tính chất cá nhân hóa việc học. Việc đo lường khả năng tiếp thu và tiềm năng của mỗi cá nhân chỉ qua điểm thi vài môn học đang trở nên bất cập. Một học sinh kém toán không có nghĩa là kém mọi thứ và cánh cửa ĐH đóng sập lại. Cùng với việc cá nhân hóa quá trình học tập, các trường cần được tạo điều kiện để sáng tạo những thước đo riêng và lựa chọn những người học phù hợp với mục tiêu đào tạo.
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, các trường chỉ cần có người học, bất chấp năng lực nền tảng của họ và cũng không có những hành động thích hợp để nâng cao chất lượng đào tạo thì ai sẽ bảo vệ người học?
Cái giá phải trả của quyền tự do lựa chọn là phải chịu trách nhiệm về những hệ quả mà quyết định của mình gây ra. Thí sinh ngày nay có rất nhiều quyền lựa chọn. Bức tranh ĐH ngày nay đã đa dạng hơn rất nhiều với sự tham gia của các trường tư, trường có yếu tố nước ngoài, các chương trình liên kết. Trong từng loại công hay tư, các trường cũng có đặc điểm rất khác nhau, mức học phí khác nhau và cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, môi trường học tập, triết lý đào tạo, chương trình học cũng khác nhau.
Hơn bao giờ hết, người học phải là người tiêu dùng khôn ngoan. Họ cần ý thức rõ theo đuổi bậc ĐH là một cuộc đầu tư nghiêm túc không chỉ về tiền bạc mà còn về thời gian và cơ hội. Vì vậy, nếu họ không nỗ lực tìm hiểu và đánh giá các trường qua nhiều nguồn thông tin, nếu họ lựa chọn những trường dễ dãi chỉ vì cần có tấm bằng ĐH mà không muốn bỏ công học tập nghiêm túc thì tấm bằng chỉ là một mảnh giấy vô dụng.
Nhà nước có thể bảo vệ người học bằng cách tạo ra một môi trường minh bạch về thông tin. Các trường nên có toàn quyền giới thiệu về mình để thu hút người học nhưng nếu có chứng cứ về những quảng cáo sai sự thật thì cần xử lý thật nặng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!