Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy trình thẩm định SGK

Bích Thuỷ, Phạm Hùng-Thứ ba, ngày 10/11/2020 15:38 GMT+7

Ảnh minh họa: Dân Trí

VTV.vn - Ở lần thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định mở rộng thêm kênh góp ý, phản biện trước khi phê duyệt.

Tiếp nối việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới, những ngày này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành công tác thẩm định để lựa chọn sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6. Thời gian qua, cùng với những phản hồi về bất cập bất cập của SGK lớp 1, dư luận xã hội cũng chia sẻ những góp ý để công tác thẩm định và lựa chọn SGK được tốt hơn.

Vậy thực tế Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu những ý kiến này như thế nào? Có hay không việc điều chỉnh quy trình này trong lần thẩm định sách lớp 2,lớp 6 hiện này?

Chương trình mới buộc phải triển khai từ tháng 9, nhưng mãi đến tháng 5 các giáo viên ở ngôi trường này mới lần đầu tiên được tiếp cận sách bản giấy. Trước đó, quá trình nghiên cứu sách cũng xuất hiện nhiều ý kiến muốn bổ sung đóng góp

TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Times School cho hay: "Việc thẩm định của dư luận xã hội của các nhà khoa học độc lập cũng rất quan trọng, nhưng bộ sách vừa qua do lý do bảo mật mà chúng tôi có muộn, không có điều kiện xem xét góp ý".

Lỗ hổng khi thiếu đi yếu tố thẩm định của xã hội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm. Lần thẩm định này, Bộ sẽ quyết định mở rộng thêm kênh góp ý, phản biện trước khi phê duyệt.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: "Có thể bằng cách đăng mạng bản pdf bản mẫu SGK, Bộ GD&ĐT sẽ xin ý kiến góp ý, nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện".

Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy trình thẩm định SGK - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ sẽ xin ý kiến góp ý, nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân.

Thực tế hơn 2 tháng giảng dạy, nhiều giáo viên dù được nghiên cứu sách, được quyền chọn sách nhưng khi vào thực tế, họ mới vấp phải một số ‘sạn’ sách.

"Có nhiều nội dung với người lớn nhìn, thì các cô chỉ thấy nội dung là đọc âm tiếng mới nhưng đến khi áp dụng vào thực tế thì các con vướng mắc nhiều. Nếu được thực nghiệm và thử nhiều hơn thì lỗi này sẽ phát hiện ra", Cô Trịnh Thị Quỳnh Anh, trường Tiểu học Dịch Vọng B, Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ.

Tiếp thu ý kiến trên, lần thẩm định này, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK. Trước đây, các nhà xuất bản phối hợp với tác giả chủ động tổ chức việc thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD&ĐT để công tác này đạt hiệu quả hơn.

Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy trình thẩm định SGK - Ảnh 2.

Ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, có những bản mẫu tỉ lệ thực nghiệm lên tới 20% nội dung bài học.

Ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói: "Để thẩm định, các bản mẫu ít nhất phải có 10% nội dung được thực nghiệm trước khi trình hội đồng thẩm định. Thực tế có những bản mẫu tỉ lệ thực nghiệm lên tới 20% nội dung bài học".

Tuy nhiên, khi những bất cập ở SGK lớp 1 được đề cập thì việc thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 đã được tiến hành. Làm thế nào để kịp thời rút kinh nghiệm khi quy trình thẩm định sách đã đi qua nhiều công đoạn? Đây cũng là chủ đề được quan tâm trong tọa đàm về việc thực hiện nghị quyết 88 của Quốc hội do báo Đại biểu nhân dân tổ chức vừa qua.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: "Bộ GD&ĐT có thể rà soát lại chặt chẽ hơn, thể hiện được trách nhiệm rõ hơn của các tổ chức cá nhân có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia. Làm sao để bảo đảm một bộ sách khi đã được thẩm định mà Bộ trưởng ký quyết định công bố sẽ đáp ứng được tốt nhất yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông".

Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy trình thẩm định SGK - Ảnh 3.

Ông Phạm Tất Thắng cho rằng Bộ GD&ĐT có thể rà soát lại chặt chẽ hơn, thể hiện được trách nhiệm rõ hơn của các tổ chức cá nhân có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm: "Các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK. Qua "vòng lọc" đầu tiên này, nhà xuất bản mới gửi bản mẫu SGK hoàn thiện lên Bộ GD&ĐT. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sau đó sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK tốt hơn".

Thêm 1 vòng thẩm định sơ bộ là thêm 1 kỳ vọng về chất lượng bản mẫu sách. Trước đó, theo quy định: việc thẩm định sách phải trải qua 2 vòng. Vòng 1 sẽ đánh giá theo 3 loại: đạt, đạt nhưng cần sửa chữa và không đạt. Vòng 2 chỉ còn 2 mức đánh giá: đạt và không đạt. Hiện sau 2 vòng thẩm định sách lớp 2 thì Tiếng Việt đang là môn học duy nhất không có bản mẫu nào được thẩm định mức ĐẠT.

Trước khi duyệt SGK mới lớp 2 và 6, Bộ GD&ĐT sẽ xin góp ý mở rộng Trước khi duyệt SGK mới lớp 2 và 6, Bộ GD&ĐT sẽ xin góp ý mở rộng Nhận trách nhiệm về SGK lớp 1, Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để chỉnh sửa? Nhận trách nhiệm về SGK lớp 1, Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để chỉnh sửa? Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải giá SGK lớp 1 mới cao hơn 2 lần sách cũ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải giá SGK lớp 1 mới cao hơn 2 lần sách cũ


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước