Theo thống kê này, toàn quốc không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối 30 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên); có 2 thí sinh điểm cao nhất khối A (29,5 điểm); 2 thí sinh điểm cao nhất khối B (29,75 điểm); 1 thí sinh điểm cao nhất khối A1 (28,75 điểm); 1 thí sinh điểm cao nhất khối C (28,5 điểm); 1 thí sinh điểm cao nhất khối D (28,25 điểm).
Thống kê lũy kế này cho biết về số thí sinh đạt cùng mức điểm, tổng số thí sinh đạt mức điểm đó trở lên và tỷ lệ giữa số thí sinh đạt từ mức điểm đó trở lên trên tổng số thí sinh. Thí sinh có thể nghiên cứu thống kê này để đăng ký xét tuyển đại học.
Các trường bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh nguyện vọng 1 từ ngày 1/8. Đây là đợt xét tuyển rất quan trọng vì các trường thường tuyển hơn 70% chỉ tiêu trong đợt đầu tiên. Theo quy định, các thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia sẽ được cấp 4 phiếu báo kết quả, 1 phiếu dành để xét tuyển nguyện vọng 1 và 3 phiếu xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Thí sinh chỉ được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển nguyện vọng 1 vào một trường Đại học hoặc Cao đẳng. Ở mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1, ít nhất 3 ngày/lần, các trường sẽ công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp để thí sinh theo dõi và lựa chọn. Thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Tương tự, thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Các thí sinh nên chọn trường thật kỹ trước khi nộp hồ sơ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.