Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 năm 2024 với sự tham gia của 306 đại biểu trẻ em là những đội viên, thiếu niên tiêu biểu trong cả nước.
Dự Phiên họp giả định có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm các Ban, Uỷ ban của Quốc hội.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; đại diện các Ban của Trung ương Đảng, Uỷ ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và tổ chức quốc tế.
Trẻ em lý giải nguyên nhân, đề cập giải pháp phòng, chống bạo lực học đường
Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 năm 2024 do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức.
Quang cảnh Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 năm 2024
Trước đó, sáng 28/9, phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 năm 2024 đã khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội. Chiều 28/9, đã diễn ra phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định, 306 đại biểu trẻ em đã chia thành 12 tổ để thảo luận về 2 chủ đề: "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường".
Trong sáng 29/9, các "nghị sĩ nhí" tham gia phiên chất vấn về 2 chủ đề: "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường".
Tại "phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội trẻ em dành cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em", mối quan tâm của các em là về tình trạng bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.
Các nguyên nhân bạo lực học đường được các em đặt ra và lý giải là vai trò của nhà trường ở một số nơi còn chưa quan tâm đầy đủ, trách nhiệm cho phòng, chống bạo lực học đường; sự quan tâm còn chưa đúng mức của gia đình; sự phát triển của môi trường mang lại lợi ích nhưng cũng nhiều mặt trái mà học sinh chưa đủ kiến thức để ngăn ngừa…
Trong các giải pháp để ngăn ngừa, đẩy lùi bạo lực học đường, các em đề cập tới việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2023; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
306 đại biểu là những đội viên, thiếu niên tiêu biểu trong cả nước tham gia "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 năm 2024
Chú trọng xây dựng văn hoá học đường. Triển khai hiệu quả mô hình "Trường học hạnh phúc" và phong trào "Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy". Đề cao trách nhiệm nêu gương của thầy cô giáo. Bố trí chuyên gia tư vấn tâm lý học sinh. Nâng cao hiệu quả các mô hình hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực.
Ban hành Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong năm 2025; triển khai các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn, lọc các thông tin, hình ảnh có tính chất bạo lực trên không gian mạng.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc trẻ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc; quan tâm, dồng hành cùng trẻ em trong phòng, chống bạo lực học đường.
"Để loại bỏ bạo lực học đường, người phải làm nhiều việc nhất chính là học sinh"
Chia sẻ sự cảm động về cách bày tỏ của các đại biểu trẻ em tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em trong Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời chia sẻ cảm nhận về sự tự tin của các em, đây là điều đáng mừng của giáo dục và gửi lời cảm ơn tới các em.
Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục đang đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc; đổi mới theo hướng phát triển toàn diện người học, để người học không chỉ có kiến thức cần thiết mà còn có các năng lực, kỹ năng để trở thành một công dân tốt, trở thành một người hạnh phúc, biết chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về Phiên chất vấn của "Quốc hội trẻ em" với vấn đề bạo lực học đường
"Chặng đường đổi mới đã đi một chặng đường và sắp kết thúc một chu trình, trong quá trình đổi mới, ngành Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn thể xã hội. Trong đó, việc Trung ương Đoàn, Hội Đồng đội Trung ương tổ chức Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" từ năm ngoái là một trong những thể hiện của sự quan tâm", Bộ trưởng nói.
Khẳng định những vấn đề được chất vấn trong Phiên họp giả định không phải giả định mà là ý kiến thật, vấn đề thật, Bộ trưởng đánh giá cao sự bày tỏ thái độ, sự hiểu biết của các em từ góc độ những người trong cuộc và những người quan tâm thông tin về vấn đề bạo lực học đường. Trong đó, thống nhất khẳng định dứt khoát, trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực học đường, không có chỗ cho tệ nạn và nguy cơ với học sinh.
Cho rằng câu hỏi và trả lời của các đại biểu trẻ em trong phiên chất vấn đã chạm đến những vấn đề cốt lõi, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thực tế rất đa dạng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường và cần phải được cập nhật thông tin đầy đủ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, không khí chung các trường học trong cả nước đang đổi mới, bầu không khí trong lành tốt đẹp vẫn đang hàng ngày diễn ra trên đất nước ta. Để cho môi trường học đường được lành mạnh, con người được bảo vệ, phát triển cần kiên quyết loại bỏ bạo lực ra khỏi học đường.
Đề cập đến một số nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường như tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, việc thực hiện quy chế học đường chưa thực sự nghiêm túc ở một số nơi, trách nhiệm của người lớn bao gồm người đứng đầu trường học, giáo viên chủ nhiệm có nơi chưa làm hết trách nhiệm, vai trò của gia đình - "nếu gia đình không có bạo lực gia đình sẽ góp phần hạn chế bạo lực học đường", tác động của mạng xã hội, phim ảnh…, Bộ trưởng nhấn mạnh đặc biệt vai trò của chính các em học sinh.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn "ai là người quan trọng nhất trong phòng chống bạo lực học đường?", một học sinh trả lời "quan trọng nhất là học sinh". Đồng tình với câu trả lời này, Bộ trưởng chia sẻ: "Để loại bỏ bạo lực học đường, người phải làm nhiều việc nhất chính là học sinh. Nếu các em học tập tốt, sống có hoài bão, có lý tưởng, biết yêu thương, biết quan tâm, chia sẻ, những người như vậy ắt hẳn sẽ không thực hành bạo lực với người khác. Nếu các em có đủ kỹ năng để có thể tự giải quyết được việc của mình, giúp bạn giải quyết được vấn đề của các bạn thì bạo lực không có chỗ trong học đường. Nếu các em có kỹ năng biết chọn lọc thông tin, biết sử dụng mạng xã hội, bày tỏ chính kiến thì cũng không có chỗ cho ảnh hưởng xấu độc của mạng xã hội... Sự tu dưỡng của bản thân, tình yêu thương, các kỹ năng, thái độ là những việc rất quan trọng các em cần làm để đẩy lùi bạo lực học đường".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với các em học sinh tham gia Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 năm 2024
Bộ trưởng cũng gửi gắm, sau Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" hôm nay, quay về vai trò người thực hiện, các em sẽ làm nhiều việc hơn triển khai trong thực tế, cần phải làm gì để tự mình góp phần vào giải quyết câu chuyện của chính mình, câu chuyện của bạo lực học đường.
"Ai làm tốt việc người đó, từ các thầy cô hiệu trưởng, các thầy cô chủ nhiệm, tư vấn tâm lý làm hết trách nhiệm của mình; văn hoá học đường làm tốt; pháp luật được thực thi… chúng ta sẽ từng bước, từng bước đẩy lùi được bạo lực học đường, xây dựng môi trường hạnh phúc - là môi trường thực tế đang có của chúng ta", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 năm 2024, nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường cũng đã được các đại biểu Quốc hội trẻ em chất vấn, với sự tham gia trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em, Bộ trưởng Bộ Công an trẻ em, Bộ trưởng Bộ Công thương trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trẻ em…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!