Công tác tổ chức thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của lớp 3, lớp 7 và 10 được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong tháng 9 và tháng 10/2021. Theo lộ trình, các lớp này sẽ áp dụng việc dạy học theo chương trình mới từ năm học 2022-2023.
Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được 48 bản mẫu sách giáo khoa của 11 môn học/hoạt động giáo dục lớp 3 gửi về thẩm định. Trong đó, môn Toán có 5 bản mẫu; mỗi môn Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Công nghệ có 3 bản mẫu; mỗi môn Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 4 bản; Tin học có 7 bản và Tiếng Anh có số lượng bản mẫu nhiều nhất với 10 bản.
Đối với lớp 7, có 47 bản mẫu sách giáo khoa của 12 môn học/hoạt động giáo dục được gửi về Bộ để thẩm định. Trong đó, môn Tiếng Anh có 9 bản mẫu; môn Tin học 5 bản mẫu; mỗi môn Toán, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Mĩ thuật có 4 bản mẫu; các môn học còn lại, mỗi môn đều có 3 bản mẫu.
Đối với lớp 10, Bộ nhận được 57 bản mẫu sách giáo khoa của 15 môn học/hoạt động giáo dục. Trong đó, môn Tiếng Anh có 9 bản mẫu; Tin học có 5 bản; mỗi môn Toán, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Công nghệ có 4 bản; các môn còn lại, mỗi môn có 3 bản.
Các thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa là những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, uy tín, được lựa chọn kỹ lưỡng. Trong đó, ít nhất 1/3 số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Từng thành viên trong mỗi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 đã được nhận bản mẫu sách giáo khoa của lớp học tương ứng để thẩm định đọc, viết nhận xét cá nhân trước thời điểm họp thẩm định tập trung ít nhất 15 ngày, thậm chí gần 2 tháng (đối với lớp 10).
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: thẩm định sách giáo khoa là công việc quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ học sinh. Để làm tốt hoạt động thẩm định sách giáo khoa, từng thành viên trong Hội đồng phải nắm chắc Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ chương trình tổng thể đến chương trình môn học mà Hội đồng sẽ thẩm định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ các yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí mà sách giáo khoa cần đảm bảo trong Thông tư 33 Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa. Trong đó, sách giáo khoa cần đảm bảo đúng đường lối, chính sách của Nhà nước; đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học, môn học, khối học; đảm bảo tinh giản, thiết thực, cập nhật và có tính kế thừa những ưu điểm của các bản sách giáo khoa hiện hành.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý: mỗi tác giả có quan điểm và cách thể hiện sách giáo khoa khác nhau nhưng tất cả đều phải đảm bảo tính chuẩn mực, khoa học, sư phạm. Đây là sản phẩm xuất bản có tính đặc thù, mỗi cuốn sách có hàng triệu học sinh mỗi thế thệ sẽ sử dụng. Với số lượng bản mẫu nhiều, khối lượng kiến thức lớn, đặc biệt đối với lớp 10 độ khó còn tăng lên, Thứ trưởng đề nghị các Hội đồng nghiên cứu kỹ lưỡng từng câu chữ, kênh chữ, kênh hình của bản mẫu để loại bỏ tối đa những "hạt sạn" ngay từ vòng thẩm định 1. Những bản mẫu "Đạt nhưng cần sửa chữa" hoặc "Không đạt", Hội đồng cần trao đổi rõ để tác giả sách giáo khoa hiểu và chỉnh sửa phù hợp.
Đồng hành, chia sẻ với công việc của Hội đồng thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý độc lập từ các nhà khoa học, giáo viên… cho các bản mẫu sách giáo khoa, thêm kênh phản biện, giúp Hội đồng thực hiện tốt nhất hoạt động thẩm định, đánh giá chất lượng cuốn sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!