Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giáo dục là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa

PV-Chủ nhật, ngày 18/12/2022 06:03 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh điều này trong tham luận với chủ đề “Giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa”.

Ngày 17/12, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa". Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có tham luận với chủ đề "Giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa".

Hội thảo có sự tham dự của hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng ​​​chủ trì Hội thảo.

Giáo dục làm được tới đâu sẽ mở đường, tạo nền cho văn hóa phát triển tới đó

Trong phát biểu tóm tắt tham luận tại Hội thảo, đề cập tới mối quan hệ hữu cơ giữa giáo dục và văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận: Giáo dục là một thiết chế văn hóa, thậm chí có thể coi là một thiết chế lớn nhất, là một lĩnh vực của văn hóa và bản thân giáo dục cũng chính là văn hóa. Giáo dục và đào tạo là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa và từ đó điều chỉnh, phát triển văn hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giáo dục là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tham luận tại Hội thảo

Khẳng định, giáo dục làm được tới đâu sẽ mở đường, tạo nền cho văn hóa phát triển được tới đó, theo Bộ trưởng, giáo dục không chỉ bảo lưu, truyền thừa, kế thừa và tiếp nối ổn định cho văn hóa mà còn tạo ra sự thay đổi điều chỉnh và phát triển văn hóa. "Con người là chủ thể của văn hóa, sáng tạo ra văn hóa, duy trì văn hóa. Giáo dục là lĩnh vực tạo dựng con người và phát triển con người, vì vậy, giáo dục tạo dựng chủ thể văn hóa, phát triển chủ thể văn hóa. Giáo dục tác động sâu sắc, toàn diện và chủ động đến văn hóa", Bộ trưởng nói.

Chia sẻ về văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa, Bộ trưởng cho rằng: Văn hóa giáo dục là sự biểu hiện chất lượng và sự tốt đẹp nằm trong các thành tố, các quá trình, các định hướng và các giá trị của giáo dục. Giáo dục văn hóa là nội dung, phương pháp, đối tượng, sản phẩm đầu ra của giáo dục. Văn hóa giáo dục là nền giáo dục được tổ chức, vận hành, nhằm đạt tới các chuẩn và các giá trị của giáo dục.

Triển khai văn hóa hóa giáo dục là làm cho các khâu, các thành tố, các hoạt động của giáo dục gia tăng các giá trị chân, thiện, mỹ và các giá trị đó hiển thị đầy đủ trong các phương diện, các quá trình giáo dục. Biến cái chân thực, cái lương thiện và cái đẹp thấm nhuần, hiển thị trong toàn bộ các thuộc tính của giáo dục.

"Muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải là nền giáo dục mang đậm giá trị văn hóa. Trên cơ sở tư tưởng và triết lý giáo dục, nền giáo dục đó phải hiện hữu sinh động và đầy đủ các giá trị cốt lõi như về sự trung thực, lương thiện, vì con người và vì những điều tốt đẹp. Mục tiêu căn bản của giáo dục là phát triển cá nhân, từ đó phát triển xã hội. Văn hóa là sản phẩm của trải nghiệm và trí tuệ con người. Như vậy, ở trung tâm của giáo dục phát triển văn hóa chính là con người", Bộ trưởng nêu rõ.

Văn hóa học đường cần hội tụ đủ các điều kiện quan trọng

Để triển khai văn hóa giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới 6 phương pháp và cách thức, bao gồm: Tư tưởng, triết lý giáo dục; xây dựng thể chế: tạo dựng xã hội học tập; ủng cố và phát triển đội ngũ những người làm giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các nhà giáo; triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và xây dựng văn hóa học đường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giáo dục là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2022 "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa"

Việc triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo Bộ trưởng, được xem là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền giáo dục theo hướng một nền giáo dục văn hóa và văn hóa giáo dục.

Đề cập cụ thể tới việc xây dựng văn hóa học đường với khẳng định, đó là giải pháp điểm nhấn trong các giải pháp để thực hiện phát triển giáo dục văn hóa, Bộ trưởng cho rằng: Những gì đang diễn ra trong trường học đạt tới chuẩn và thể hiện được giá trị thì đó là văn hóa học đường. Xây dựng văn hóa học đường gắn liền với việc thực thi các quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn giá trị của trường học. Lấy việc thực hiện kỷ cương trường học làm nền tảng, coi trọng phương diện tu dưỡng cá nhân của học sinh và lấy đó là gốc cho phát triển văn hóa. Thầy và trò cần tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử, các chuẩn trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, chuẩn môi trường giáo dục.

Nhắc tới 3 từ khóa quan trọng nhất để xây dựng văn hóa học đường là: Hệ giá trị tốt đẹp - thái độ đúng đắn - hành vi phù hợp, Bộ trưởng cũng nêu lại những điểm cụ thể, những nội dung cần thực hiện trong Chỉ thị số 08/CT-TTg ban hành ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai xây dựng văn hóa học đường. Đó là: triển khai thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử trường học; tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống thư viện và các yếu tố hạ tầng khác; tăng cường những yếu tố thuộc về phẩm chất, ý thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo. Để thực hiện tốt những điều này, không chỉ có nhà trường mà cần phải có sự tham gia của gia đình và xã hội, trong đó có phụ huynh và người thân học sinh.

"Văn hóa học đường cần hội đủ các điều kiện quan trọng như sau: Đạo lý thầy, trò đủ thiêng liêng; nhà giáo đủ sống bằng thu nhập thông qua hoạt động giảng dạy chân chính; trường học đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; học liệu phục vụ hoạt động dạy học phải đầy đủ; kỷ cương, nguyên tắc đủ mạnh để tất cả các cá nhân, bộ phận phải thực thi nghiêm túc; tài chính đủ chi trả cho các hoạt động của nhà trường; học trò có đầy đủ cơ hội học tập và phát huy năng lực cá nhân; phụ huynh có đủ niềm tin vào nhà trường; mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội đủ chặt. Những cái "đủ" ở trên phải thực sự đầy đủ thì văn hóa mới hiện diện và thể hiện được một cách đầy đủ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước