2 ngày nữa, ngày 5/9, học sinh trên cả nước sẽ khai giảng năm học mới. Nếu như mọi năm, thời gian này, học sinh tiểu học phấn khởi chuẩn bị cho ngày khai giảng, học sinh THCS tăng tốc chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi vào cấp 3 còn học sinh THPT sẵn sàng ôn luyện cho những kỳ thi mang tính chất quyết định để định hướng tương lai. Thế nhưng, dịch bệnh phức tạp đã khiến nhiều kế hoạch đảo lộn.
Nhiều học sinh "mắc kẹt" vì COVID-19
Ngõ Văn Hương (Hà Nội) có người mắc COVID-19 vì thế em Trương Mai Linh (Học sinh lớp 10, THPT Chu Văn An, Văn Yên, Yên Bái) bị kẹt ở đây đã gần 3 tháng nay. Em xuống nhà người thân chơi nhưng vì dịch bệnh, nơi người thân em ở bị phong tỏa vì thế em không thể về đi học được. May mắn, em đã đăng ký học online với một trường gần đây nhưng cũng mới chỉ có chiếc máy tính để học, còn sách vở chưa có, thầy và bạn thì lạ lẫm.
Tại trường THPT Chu Văn An (Yên Bái) có 24 học sinh chưa thể đi học vì ảnh hưởng của dịch. Nhiều em đang ở khu cách ly 21 ngày. Một số em đã chuyển hẳn trường để tiện cho việc học nhưng có những học sinh vốn về Hà Nội để làm việc kiếm thêm thu nhập giờ bị kẹt lại, còn lo ăn, lo ở, thiết bị học không có, không tránh khỏi tư tưởng bỏ học. Nhà trường cố gắng tìm cách hỗ trợ các em.
"Nhà trường giao cho các tổ chuyên môn tổ chức theo nhóm để giao bài, dạy trực tuyến cho các em. Sau này các em trở về có dạy học bổ sung, phụ đạo", thầy Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Văn Yên, Yên Bái cho biết.
Còn trường hợp của Đạt, học sinh lớp 5, đang phải điều trị COVID-19, may là sức khỏe của em đã ngày càng tốt hơn. Ở trường của Đạt, ngoài em còn có bạn phải đi cách ly. Nhà trường đã tính toán để làm sao khi trở lại học với các bạn, các em có thể bắt kịp được.
Hiện một số học sinh rơi vào tình huống đang ở vùng giãn cách xã hội không thể về nhà để đi học. Các em cũng không thể học trực tuyến từ xa vì nhà trường chỉ dạy trực tiếp. Lúc này cần sự chủ động của các trường, kiến nghị các giải pháp để đảm bảo công bằng giáo dục cho học sinh.
Khó triển khai học trực tuyến
Khi dịch bệnh vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn, tỉnh Bình Dương đã quyết định lùi lịch khai giảng đến ngày 15/9. Dạy và học trực tuyến vẫn được xem là giải pháp tối ưu trong giai đoạn này nhưng với nhiều gia đình công nhân lao động, hộ khó khăn thì trang bị đủ đồ cho con bắt đầu năm học mới cũng là một nỗi lo.
Theo khảo sát của Sở GD&ĐT tỉnh, đối với bậc THPT trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương thì 90% học sinh đáp ứng được việc học online, trong khi đó các bậc học còn lại chỉ đáp ứng khoảng hơn 70% .
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết: "Đối với những trường hợp hoàn cảnh khó khăn thì Sở có biện pháp là sau khi học tập trực tuyến, Sở sẽ khai thác thời gian vàng này để dạy bù, dạy kèm cho các em để các em đảm bảo chương trình trong năm học".
Đội ngũ giáo viên tình nguyện tham gia vào công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đang gặp nhiều áp lực. Riêng tại thị xã Tân Uyên có 1.800 giáo viên thì đã có hơn 1.000 giáo viên tham gia vào công tác tình nguyện trên mọi mặt trận ở 12 xã, phường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang có hơn 6.600 giáo viên tình nguyện tham gia chống dịch, Sở Giáo dục và Đào tạo đang lên kế hoạch xin rút dần các giáo viên về để thực hiện công tác giảng dạy trong năm học mới. Song trước tình hình thiếu thốn nhân lực trầm trọng của tỉnh, rất có thể các giáo viên này sẽ phải vừa giảng dạy vừa tham gia chống dịch nếu tỉnh không sớm được bổ sung nhân lực.
Mỗi tỉnh, thành phố sẽ tùy theo tình hình thực tế của địa phương để đưa ra phương án phù hợp, đảm bảo yếu tố tiên quyết là an toàn cho cả thầy và trò. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định lùi thời gian năm học mới đến ngày 15/9. Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 1/9 nhiều trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức dạy và học bằng hình thức trực tuyến theo kế hoạch ban hành trước đó.
Tỉnh Đắk Lắk có 3 huyện, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Các địa phương còn lại thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 15. Tỉnh đã quyết định tạm thời lùi thời điểm bắt đầu năm học mới để tập trung vào phòng chống dịch. Đồng thời, để ngành giáo dục và người dân có thời gian chuẩn bị tốt cho năm học mới. Tỉnh cũng thống nhất tổ chức khai giảng chung bằng hình thức trực tuyến vào ngày 5/9.
Đảm bảo an toàn trong trường học
Tại một số tỉnh nhiều tháng nay không có ca COVID-19 trong công đồng đã tổ chức dạy và học trực tiếp. Tại tỉnh miền núi Hà Giang, gần 250.000 học sinh phổ thông đã trở lại trường cách đây 2 tuần. Đây cũng là giải pháp tận dụng tối đa khoảng "thời gian vàng" để học sinh được đến trường. Vì vậy, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học càng phải triển khai nghiêm ngặt, để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
Trường THCS Yên Biên, thành phố Hà Giang đã trang bị 2 máy rửa tay tự động để học sinh có thể sát khuẩn nhanh nhất, bất cứ khi nào. Trong các lớp học, nước rửa tay, khẩu trang cũng được chuẩn bị sẵn. Tất cả học sinh tuân thủ đeo khẩu trang cả trong giờ học.
Ở các khu vực từ đô thị, trung tâm huyện, xã đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các trường học luôn trong tâm thế chủ động chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh về biện pháp phòng, chống dịch.
Ngành giáo dục của tỉnh còn yêu cầu 821 cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn cài đặt ứng dụng Antoancovid và tự đánh giá, cập nhật kết quả lên hệ thống hàng tuần. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Có thể thấy, mỗi địa phương, vùng miền đang phải đối mặt với những khó khăn khác nhau trong việc tổ chức dạy học do ảnh hưởng của dịch bệnh. Không thể có công thức chung để giải quyết khó khăn cho các vùng. Đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo đã có những hướng dẫn cụ thể với từng đối tượng học sinh, yêu cầu các địa phương chuẩn bị nhiều phương án khác nhau để đảm bảo mọi học sinh đều được hỗ trợ trong quá trình học tập, không để em nào bị bỏ lại phía sau.
Dịch bệnh có thể sớm kết thúc nhưng cũng có thể kéo dài. Ngay cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao thì việc mở cửa trở lại trường học cũng gặp nhiều thách thức và liên tục phải xoay chuyển các hình thức học theo diễn biến dịch. Chính vì vậy, các nhà trường và các địa phương cần xác định tâm thế và chủ động có các giải pháp ứng phó với tình hình trên cơ sở đặt chất lượng giáo dục và quyền lợi học sinh lên hàng đầu. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể giúp học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách hiệu quả, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục với các em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!