Hai đề tài được đánh giá, nghiệm thu lần này là: "Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030" và "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam".
Mô hình và giải pháp tăng quyền tự chủ đại học
Đề tài "Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030" do Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, GS.TSKH. Đào Trọng Thi làm chủ nhiệm.
Quang cảnh buổi đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu KHCN cấp quốc gia về khoa học giáo dục chiều 9/9
Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký. Kết quả nghiên cứu được công bố qua 5 bài báo, trong đó 1 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Hệ thống Scopus và 3 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước (vượt 2 bài báo so với đăng ký); hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh.
Trong quá trình thực hiện, sản phẩm của đề tài đã cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu cho các cơ quan hoạch định chính sách trong việc ban hành các chính sách về tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học (CS GDĐH) hướng tới việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục.
Một số sản phẩm đã được Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội tiếp nhận sử dụng.
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, GS. Đào Trọng Thi nhấn mạnh tình hình thực hiện chính sách về tự chủ và trách nhiệm giải trình của các CS GDĐH Việt Nam và đánh giá hiệu quả các chính sách hiện có. Trước đó, đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu ngày 25/3/2020, kết quả xếp loại "Đạt".
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra mô hình tự chủ của CS GDĐH Việt Nam và đề xuất giải pháp tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình cho CS GDĐH Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030.
Theo nhóm nghiên cứu, mô hình tự chủ đòi hỏi tư duy mới trong quản trị và lãnh đạo cả ở cấp trường và cấp hệ thống; sự tham gia của các bên liên quan, khích lệ sự đa dạng và từng bước chuyển sang quản trị theo mô hình doanh nghiệp.
Về phía thành viên Hội đồng, các chuyên gia PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH; PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa; GS Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận đóng góp của đề tài, đồng thời, đề xuất những nội dung cần làm rõ, điều chỉnh, bổ sung.
Cho rằng đây là đề tài lớn, phức tạp, trong khi các CS GDĐH khá lúng túng trong quá trình tự xây dựng mô hình tự chủ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc đề nghị, đề tài cần đưa ra được mô hình tự chủ nào tốt nhất cho GDĐH Việt Nam đến năm 2030 và đề xuất hành lang pháp lý cần những gì để sẵn sàng cho quá trình đó.
Kết luận chỉ đạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao kết quả và yêu cầu đề tài cần thống nhất cấu trúc các báo cáo thành phần; xác định khung lý thuyết để phân tích xuyên suốt, làm luận cứ về sự phù hợp trong bối cảnh thực tiễn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là vấn đề khó, phức tạp, đề tài cần làm rõ nội hàm các khái niệm chính yếu; xác định rõ mô hình tự chủ, từ đó đánh giá Nghị định 77/NQ-CP; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống các nhóm giải pháp theo các nhóm đối tượng nghiên cứu.
Nâng cao hiệu quả chi ngân sách cho giáo dục
Đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam" do Học viện Tài chính thực hiện, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt làm Chủ nhiệm. Đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu ngày 20/01/2020, xếp loại "Đạt".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục phát biểu tại buổi đánh giá, nghiệm thu đề tài KHCN cấp quốc gia về khoa học giáo dục |
Trong quá trình triển khai từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2020, đề tài đã huy động được đội ngũ chuyên gia về tài chính, kinh tế để giải quyết được nhiều vấn đề về tài chính trong giáo dục, bám sát nội dung đăng ký.
Kết quả nghiên cứu của đề tài được công bố qua 06 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành (vượt 03 bài so với đăng ký), đào tạo thành công 2 thạc sỹ, hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh.
Trong quá trình thực hiện, đề tài thường xuyên chuyển giao các kết quả, sản phẩm khoa học làm luận cứ khoa học, phục vụ việc ban hành các chính sách về tài chính trong giáo dục, hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục.
Đặc biệt, đề tài đã có những đóng góp thiết thực, kịp thời trong quá trình xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (nội dung về tài chính, tài sản, tín dụng sinh viên, học phí, học bổng...).
Một số sản phẩm của đề tài được Vụ Kế hoạch-Tài chính, Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) tiếp nhận, sử dụng.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đồng thời là tài liệu tham khảo quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách có liên quan, như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nghiên cứu và ban hành các điều chỉnh cần thiết trong quy hoạch ngân sách cho giáo dục.
Phản biện và góp ý cho đề tài, các thành viên Hội đồng đến từ Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, Bộ GDĐT đều đánh giá cao giá trị, kết quả của đề tài, đồng thời, bổ sung một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng.
Từ thực tế lãnh đạo ở địa phương trong nhiều năm, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh ý nghĩa của đề tài đối với công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành; đồng thời có những đề xuất thiết thực, mở ra hướng nghiên cứu tiếp theo.
Thay mặt Hội đồng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao cố gắng và đóng góp của nhóm nghiên cứu, đã cung cấp luận cứ cho các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ GDĐT thực hiện các nhiệm vụ. Nhóm đã tích cực khảo sát trong và ngoài nước, từ đó, có nhiều dữ liệu, số liệu và phát hiện giá trị.
Bộ trưởng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh một số nội dung như: mở rộng phạm vi đối tượng; tường minh nội hàm khái niệm; gia tăng cơ sở dữ liệu; tiêu chí phân bổ ngân sách hợp lý; kiến nghị cụ thể, xứng tầm với quá trình và kết quả nghiên cứu công phu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!