Cách chọn ngành học phù hợp

Theo TVTS-Thứ ba, ngày 22/07/2014 06:55 GMT+7

Ảnh minh họa

Chọn ngành học cũng chính là chọn tương lai của bạn, vì nó sẽ là nghề nghiệp theo bạn suốt đời. Một ngành học phù hợp cần đảm bảo được 2 tiêu chí quan trọng: Phù hợp với bản thân và phù hợp với nhu cầu xã hội.

Tôi thích học ngành nào nhất?

 

Nước ta hiện có đến hàng ngàn ngành đào tạo, nên việc lựa chọn của thí sinh cũng trở nên khó khăn hơn. Để trả lời được câu hỏi trên, bạn cần có một số hiểu biết nhất định về các ngành học.

 

Muốn chọn đúng ngành, hợp với sở thích thì trước tiên bạn cần phải nắm rõ ngành đó là ngành gì, sẽ học cái gì, ra trường sẽ làm gì… Nếu bạn biết được càng nhiều ngành thì cơ hội lựa chọn sẽ đa dạng hơn và sở thích được định hình rõ ràng hơn.

 

Kế đó, bạn hãy tự viết ra những sở thích nghề nghiệp của mình, dựa trên mơ ước và tính cách của bản thân. Đây là căn cứ quan trọng để bạn chọn đúng ngành mình muốn.

 

Nếu thích những con số và đam mê sự chính xác, tỉ mỉ, bạn có thể chọn ngành Kế toán. Nếu có năng khiếu hội họa và thích làm những công việc liên quan đến nghệ thuật, sáng tạo, bạn có thể chọn nhóm ngành Mỹ thuật công nghiệp hoặc Kiến trúc. Nếu tự tin với khả năng viết lách, bạn có thể chọn học ngành Báo chí, Truyền thông…

 

Bạn hãy liệt kê sở thích, mong muốn của bản thân cùng với danh sách các ngành nghề liên quan để loại trừ dần cho đến khi bạn còn khoảng 3-5 lựa chọn.

 

Tôi có đủ khả năng không?

 

Khả năng ở đây chính là thực lực của bạn, bao gồm: năng lực học tập, hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh gia đình. Tự đánh giá năng lực cá nhân để chọn ngành học phù hợp sẽ giúp bạn có thêm động lực và niềm tin để theo đuổi nghề nghiệp.

 

Kết quả học tập bậc THPT là một cơ sở quan trọng để bạn xác định năng lực học tập của mình. Bên cạnh đó, việc giải thử các đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ của những năm trước, thông tin điểm chuẩn của một số trường, tỷ lệ chọi và số lượng thí sinh dự thi trong các năm qua… chính là những căn cứ cần thiết để bạn so sánh mức độ phù hợp giữa các ngành bạn đang cân nhắc.

 

Ngoài ra, bạn cần kết hợp với điều kiện sống của cá nhân, điều kiện kinh tế của gia đình, nơi mong muốn làm việc sau khi ra trường (nhất là các bạn ở vùng sâu, vùng xa),... để tiếp tục loại trừ những ngành ít phù hợp ra khỏi danh sách và đi đến lựa chọn cuối cùng.

 

Tìm hiểu về nhu cầu nhân lực

 

Thông qua báo chí, các website, bạn có thể dễ dàng tìm được thông tin những ngành nào hiện đang được tuyển dụng nhiều nhất và dự báo xu hướng biến động về nhu cầu lao động của từng lĩnh vực nghề nghiệp trong thời gian sắp tới của thị trường lao động Việt Nam.

 

Kết hợp những điều này lại, chắc chắn bạn sẽ chọn được một ngành học vừa phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, hướng đến một tương lai bền vững.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước