Sáng 27/6, tại trường Trung học Cơ sở Nam Từ Liêm (Hà Nội), Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Chương trình tham vấn ý kiến trẻ em về việc xây dựng Dự thảo Đề án "Bảo vệ và Hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" giai đoạn 2020 - 2025. Tại trường đã có gần 300 học sinh, cùng các phụ huynh và thầy cô giáo đã tham gia góp ý cho rằng, cần đồng hành với trẻ em trong mọi hoạt động trên mạng Internet.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 mà việc học tập trực tuyến trong quá trình giãn cách xã hội đã được nhiều trường học ở các tỉnh, thành phố thực hiện. Học trực tuyến đem lại nhiều lợi ích trong việc giúp các em học sinh không đến trường nhưng vẫn đảm bảo việc học trong kỳ, vẫn có thể tiếp cận với môi trường Internet để học tập, giải trí song cũng đưa đến một mối lo ngại đối với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh: Đó là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi tham gia môi trường mạng đầy thú vị và cũng nhiều rủi ro này.
Bà Hoàng Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nam Từ Liêm – cho rằng: "Những gì học sinh thu nhận, bị xâm hại nguy hiểm từ khai thác mạng, chúng ta đều nắm rất rõ và vô cùng lo ngại, nhưng không vì thế mà chúng ta né tránh và lo sợ. Mỗi cơ thể chúng ta đều có một chất kháng thể, vậy hãy để chất liệu đáng quý này phát huy tối đa nhất, sáng tạo nhất trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào cơ thể, vào suy nghĩ và hành động của chúng ta, đặc biệt với chính các em - từ những người đã, đang và sẽ sử dụng mạng xã hội trong cuộc sống và tự mình đưa ra phương án bảo vệ phòng, chống hiệu quả nhất.
Vậy làm thế nào để các em tự có khả năng đề kháng trước các rủi ro, những hiểm họa trên môi trường mạng? Việc đồng hành của gia đình, nhà trường với học sinh có thể trở thành một liều vaccine phòng chống các virus nguy hiểm trên môi trường mạng.
Ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Hơn ai hết, trẻ em là người mà cần phải hiểu rằng, trên môi trường mạng, bên cạnh những thứ lợi ích đem lại thì cũng còn rất nhiều các mối nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn, hay nói cách khác là chúng ta đang tạo ra một hệ vaccine miễn dịch dành cho trẻ em".
Ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông
Nhiều phụ huynh lo lắng băn khoăn khi trẻ em tham gia môi trường mạng, mà không thể có đủ thời gian để đồng hành trong quá trình hoạt động trên môi trường mạng của các em.
Chị Phạm Thu Trang - phụ huynh học sinh lớp 7A2, trường Trung học Cơ sở Nam Từ Liêm chia sẻ: "Việc kiểm soát các con dùng internet là rất khó với phụ huynh vì phụ huynh đi làm, rồi công việc gia đình cũng như công việc xã hội. Đôi khi mình không có nhiều thời gian để quan tâm đến con. Để đồng hành cùng với các con hàng ngày trong kiểm soát các con sử dụng Internet, thì rất khó khăn".
Bà Nguyễn Thị Thu Hương thành viên của Đề Án chia sẻ đây là Đề Án dành cho TE nên cách thức tuyên truyền hay lấy ý kiến của các em học sinh chúng tôi cũng đổi mới sao cho phù hợp vào hiệu quả nhất, thông qua bộ câu hỏi kỹ năng số trong game show, các clip hoạt hình để học sinh tiếp nhận thông tin một cách hào hứng, tương tác liên tục và các em học sinh đã rất sáng tạo khi đưa ra ý kiến đóng góp cho Đề án ngay trong chính trò chơi của mình. Ban Tổ chức chọn cách hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ em thông qua vui chơi giải trí để các em thỏa sức sáng tạo và nói lên ý kiến của mình.
Trong gameshow tương tác với học sinh về các giải pháp cụ thể trong giải quyết tình huống của trẻ em trên môi trường mạng
Học sinh chia sẻ quan điểm tại buổi giao lưu.
Em Tô Hoàng Vi Anh (học sinh lớp 6A1) chia sẻ, buổi giao lưu đã mang lại những thông tin rất hữu ích với bản thân em. "Mỗi ngày em sử dụng Internet từ 15 đến 30 phút, trong đó có cả mạng xã hội. Có rất nhiều mối nguy hiểm trên đó mà chúng em không biết trước được".
Chia sẻ về mục tiêu có một không gian mạng lành mạnh hơn cho trẻ em, Vi Anh bày tỏ mong muốn luật pháp sẽ có những hình phạt mạnh tay, đủ sức răn đe những kẻ xấu có ý định gây tổn hại tới thể chất, tinh thần của trẻ em qua không gian mạng. Bên cạnh đó, nữ sinh lớp 6 cũng mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các công cụ có thể hỗ trợ ngăn chặn các thông tin xấu độc, giúp cảnh báo và phát hiện những thông tin gây hại tới trẻ em.
Sau khi tham dự chương trình, lắng nghe ý kiến phát biểu của các em học sinh, các thầy cô, bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận sự thành công của buổi truyền thông – tham vấn trẻ em về đề án. Bà Hoàng Thị Hoa đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng chương trình truyền thông thành mô hình có thể nhân rộng để nhiều trường, nhiều em học sinh có thể tiếp cận.
Bà Hoa khẳng định "Trẻ em là tương lai của đất nước, đầu tư vào trẻ em để các con sử dụng công nghệ, Internet là điều cần thiết để đóng góp cho sự phát triển của đất nước".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!