Hiện nay, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình giáo dục phổ thông kết hợp giữa giáo dục nhà trường và đặc thù sản xuất kinh doanh của địa phương, giúp học sinh được tiếp cận thực tiễn, sớm có những định hướng nghề nghiệp cho mình.
Chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách khi đến với Cần Thơ. Vì vậy, nơi này được chọn để thiết kế nhiều nội dung ngoại khóa cho học sinh trường THPT Nguyễn Việt Hồng. Sau khi được hướng dẫn viên chuyên nghiệp giới thiệu một số kỹ năng, các em học sinh sẽ vận dụng vốn ngoại ngữ, văn học, lịch sử để tham gia làm hướng dẫn viên du lịch.
Đây chỉ là 1 trong 4 dự án nghề cho học sinh của trường THPT Nguyễn Việt Hồng. Vào các giờ ngoại khóa, các em tham gia kinh doanh rau màu trên chợ nổi, bán rau màu trên bờ, nuôi trồng và bán thủy sản.
Trường THPT Nguyễn Việt Hồng chỉ là một trong số các trường phổ thông triển khai thí điểm chương trình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn địa phương. Kể từ năm 2013 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình trường học gắn liền với sản xuất kinh doanh của địa phương như "trường học đồi chè", "trường học mía đường" ở Tuyên Quang, "trường học du lịch" ở Lào Cai, "trường học cam" ở Cao Phong, Hòa Bình.
Việc triển khai thí điểm chương trình giáo dục nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại địa phương là một trong những bước đi của lộ trình đổi mới giáo dục, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Những mô hình như vậy giúp học sinh không chỉ tăng cường kiến thức thực tế mà còn hiểu hơn về thế mạnh kinh tế địa phương, từ đó, có định hướng phù hợp cho tương lai của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!