Mâu thuẫn với nhà trường, phụ huynh cầu cứu mạng xã hội
Bất bình về khoản tiền hoàn trong học phí của con, một phụ huynh đã nhiều lần trao đổi qua điện thoại, email với nhà trường nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Từ mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường, giờ thành chủ đề được mọi người bàn tán trên một hội nhóm với hơn 250.000 thành viên.
Ngay sau khi bài đăng của phụ huynh được công khai, một tài khoản Facebook có tên trường học trong vụ việc cũng đã có một bài viết phản bác lại trên nhóm.
Những câu chuyện như trên không phải là hiếm. Trong các nhóm dành cho phụ huynh trên một nền tảng mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp những bài đăng tương tự, chủ yếu xoay quanh các vấn đề liên quan đến bữa ăn cho trẻ hay chăm sóc trẻ ở trường.
Theo một quản trị viên diễn đàn trên mạng xã hội, trung bình một tháng có khoảng vài chục bài viết xoay quanh các vấn đề giữa gia đình và trường học, người viết thường không công khai danh tính vì không muốn ảnh hưởng đến con em mình. "Thường đến 99% những vụ việc đưa lên sẽ được giải quyết.."
Dù có khả năng cao những vụ việc sẽ được giải quyết, nhưng khi đưa lên không gian mạng, trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người, ít nhiều cũng làm tổn hại đến mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường, khi chuyện trong trường chưa tỏ, trên mạng đã tường.
Theo diễn biến mới nhất của câu chuyện này, trường học đã liên hệ với phụ huynh để đàm phán và mong phụ huynh gỡ bài.
Chuyện dạy học ngày xưa
TS Trịnh Thu Tuyết – Nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An bày tỏ quan điểm: "Mạng xã hội mới chỉ có 1 thập kỉ nay nhưng giao tiếp loài người từ lâu. Ngày xưa là giao tiếp trực tiếp. Mối quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh khi giao tiếp trực tiếp như thế để trao đổi về việc dạy dỗ con thì ai đến với ai thì câu trả lời cho câu hỏi này có lẽ sẽ làm cho các bạn thời nay bất ngờ vì là giáo viên tìm đến phụ huynh. Khi mà tôi ra trường năm 1980, hiệu trưởng trường tôi nói là bây giờ mỗi giáo viên là phải có một chỉ tiêu là 1 tháng phải đến thăm gia đình phụ huynh học sinh từ 2 đến 3 gia đình".
"Trong giáo dục, một trong những phương pháp quan trọng nhất và nêu gương bằng cách trực tuyến sẽ không thể có sự tôn trọng nếu như thầy cô dạy các em chuẩn mực mà thầy cô không chuẩn mực, dạy cho em những điều thanh cao mà thầy cô cầm phong bì.
Áp lực nhiều khi nó cũng xoay quanh một cái vấn đề rất nhạy cảm của xã hội bây giờ là đồng tiền. Tôi nhớ là một nhân vật trong truyện Nếp Nhà của Nguyễn Khải nói là tránh xa đồng tiền vì tiền có độc, nên càng tránh xa tiền càng tốt.
Tôi nghĩ việc của người thầy dạy chữ, dạy người. Tất cả những chuyện tiền nong thì bộ phận chuyên trách và thực hiện theo quy ước, theo thống nhất quy định từ Bộ GD&ĐT, từ Sở GD&ĐT, từ trường, và có khi thống nhất một cách cụ thể công khai minh bạch giữa nhà trường và gia đình học sinh thì mình không cần liên quan nữa", TS Trịnh Thu Tuyết nói thêm.
Ngày 2/10 là ngày Khuyến học Việt Nam. Khi nhắc đến học là nhắc tới vai trò của nhà trường, và cũng rất mong khi nghĩ về trường đơn thuần cũng chỉ là nghĩ về việc học.
Mạng xã hội sẽ không mất đi và thậm chí trong nhiều lĩnh vực, nó đang thể hiện được quyền năng của mình. Quyền cho phụ huynh được chia sẻ khi yếu thế, quyền giám sát trước những vấn đề chưa minh bạch và cả quyền lực như một chiếc gương để nhà trường soi lại hoạt động và hành xử của chính mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!