Với các gia đình có trẻ chuẩn bị chuyển từ cấp mầm non lên tiểu học, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cũng như tâm lý cho trẻ trước khi vào lớp 1 là điều rất quan trọng. Tại không ít gia đình, đèn học bắt đầu sáng lên mỗi tối, khi cha mẹ chú trọng hơn trong việc giáo dục trẻ nhỏ, cụ thể là cho con học trước kiến thức của lớp 1.
Phụ huynh nóng lòng cho con học trước khi vào lớp 1
8h tối là thời gian một bạn nhỏ bắt đầu ngồi vào bàn học. Ngay từ đầu năm học mẫu giáo lớn, chị Xuân đã chú trọng hơn trong việc tự dạy con ở nhà. Hiện, con đã có thể làm hết sách bài tập Toán lớp 1. Còn môn tiếng Việt, chị cũng có kế hoạch tăng cường hơn cho con trong thời gian này.
Sợ con thiệt thòi khi chưa học trước cũng là tâm lý chung của nhiều gia đình hiện nay. Ngay sau Tết, chị Hoa sốt sắng tìm kiếm các nhóm lớp tiền tiểu học gần nhà. Có cầu thì ắt có cung, chỉ cần gõ từ khóa "tiền tiểu học", phụ huynh có thể tìm kiếm được rất nhiều bài đăng về các nhóm lớp với cam kết khi tham gia, trẻ có thể đọc, viết và làm toán… Dù lịch học, dĩ nhiên là vào các buổi tối hoặc cuối tuần, nhưng các gia đình vẫn sẵn sàng đăng ký.
Cứ thế, nhiều bạn nhỏ ở độ tuổi mầm non đã biết trước phần nào kiến thức lớp 1.
Trẻ mầm non tiếp nhận kiến thức thông qua các hoạt động
Với không ít các bạn nhỏ đang ở độ 5 - 6 tuổi, sau một ngày đến trường mầm non, các con sẽ tiếp tục đến các lớp học buổi tối để học đọc, học viết và làm toán. Đây cũng là thực tế không mới khi việc cho con học kiến thức trước khi vào lớp 1 là nhu cầu riêng của mỗi gia đình với quan điểm con cố gắng trước thì khi vào lớp 1, cả bố mẹ và con đều đỡ vất vả.
Thế nhưng, việc đua nhau cho con đi học trước kiến thức trước khi vào lớp 1 tại các nhóm lớp có cần thiết? Khi thực tế, ngay tại các trường, trẻ mẫu giáo lớn cũng đã được tiếp cận, lĩnh hội lượng kiến thức, kỹ năng đúng với độ tuổi, chuẩn theo khung chương trình hiện hành.
Tại trường mầm non, ngay khi cô giáo hô bắt đầu, bạn nhỏ nào cũng hào hứng với trò chơi bắt cá. Với yêu cầu từng đội phải bắt đúng các chú cá có cùng một chữ cái, trẻ không chỉ phải nhanh tay mà còn phải nhanh mắt, tìm kiếm, nhận biết mặt chữ. Học chữ rồi học số đếm, tất cả đều có trong nội dung đào tạo của khối mầm non và được lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm của trẻ trên lớp.
Việc trang bị các kỹ năng cho trẻ mẫu giáo lớn cũng được các trường chú trọng. Giờ kể truyện, sau khi nghe cô giáo hướng dẫn, các bạn nhỏ sẽ được làm việc nhóm, phân vai và tự kể lại câu chuyện theo ý tưởng riêng. Mỗi nhóm sẽ có thêm giấy, bút màu… để tạo thêm đạo cụ.
Cũng theo các thầy cô giáo, hoạt động giáo dục trẻ trước khi vào lớp 1 thực sự cần thiết nhưng các hoạt động học tập, vui chơi cần được xây dựng dựa trên độ tuổi, tránh nhầm lẫn với việc cho trẻ đi học trước. Có thể thấy, bên cạnh kiến thức, trẻ cũng cần có nhiều kỹ năng để sẵn sàng vào lớp 1.
Tránh tác dụng ngược khi cho con học trước kiến thức lớp 1
Về hoạt động chuẩn bị cho trẻ chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học, Vụ Giáo dục mầm non - Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng nhận định là việc thực sự cần thiết. Thế nhưng, khi ở trường, các con đã được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp với năng lực thì việc tìm kiếm các nhóm lớp học trước kiến thức vào lớp 1, các phụ huynh cần cẩn trọng, tránh tác dụng ngược.
Theo nội dung các bài đăng tuyển sinh các nhóm lớp học trước khi vào lớp 1, cũng như thực tế, khi theo học, các con sẽ được học chữ, đánh vần, tập viết, tập đọc, làm toán với phép cộng, trừ, thậm chí là nhân chia… Đây đều là kiến thức các con sẽ được học ở cấp tiểu học. Điều này có thể tạo áp lực cho trẻ khi các con vẫn chưa đủ tinh thần cũng như sức khỏe để tham gia hoạt động học tập như học sinh lớp 1. Đáng nói, theo các chuyên gia, việc học trước kiến thức lớp 1 có thể ảnh hưởng đến cả quá trình học tập của con sau này.
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo - phân tích: "Các bậc phụ huynh cho các cháu đến lớp tiền tiểu học để các cháu viết thạo thì các cháu sẽ nhàn nhã khi thực hiện nhiệm vụ đầu cấp tiểu học. Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng khi các con đang thực hiện nhiệm vụ học tập mà việc tập viết quá đơn giản thì các con sẽ nhàn nhã, không tập trung. Dần dần tạo thói quen chủ quan, giảm khả năng tập trung vào hoạt động có mục đích. Giai đoạn đầu thì thuận lợi nhưng về sau sẽ càng ngày càng khó khăn hơn".
Sẵn sàng tâm thế cho trẻ vào lớp 1
Để con có bước khởi đầu tốt nhất ở cấp tiểu học, đại diện Vụ Giáo dục mầm non cũng chia sẻ, gia đình và nhà trường cần tạo cho trẻ một tâm thế tốt để trẻ hiểu và thích thú hơn về một môi trường học tập mới và bản thân các con có sự hứng thú khi sắp được vào lớp 1.
Ngay khi trường tiểu học gần nhà tổ chức chương trình trải nghiệm "Một ngày em là học sinh lớp 1", anh Dũng đã đăng ký cho bạn nhỏ thứ 2 tham gia. Phụ huynh hồi hộp lo lắng khi mới vào lớp, bạn chưa tập trung rồi đi quanh lớp, bạn chưa quen vẫn nằm bò ra bàn. Tư thế ngồi học liên tục được cô giáo chỉnh sửa.
Với chương trình trải nghiệm, trẻ sẽ tham gia các hoạt động như một học sinh lớp 1. Còn cha mẹ cũng sẽ được nhà trường lắng nghe những băn khoăn. Việc tham gia trải nghiệm hoạt động học tập cấp tiểu học được gia đình và nhà trường kỳ vọng trẻ sẵn sàng đón nhận các nhiệm vụ học tập khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh cũng dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn.
Cũng theo các trường, khi chuyển cấp học, trẻ sẽ có những thay đổi về tâm lý. Ngay ở độ tuổi mẫu giáo lớn, 5 - 6 tuổi, thầy cô cũng cần chú trọng quan sát, kịp thời hỗ trợ trẻ trong quá trình làm quen môi trường giáo dục tiểu học.
Có thể thấy, bên cạnh việc chuẩn bị hành trang là kiến thức và kỹ năng, trẻ cũng cần có một tâm thế sẵn sàng khi vào lớp 1. Cùng với đó, các hoạt động tăng cường thể chất cũng không thể bỏ qua để trẻ có một sức khỏe tốt để hòa nhập môi trường mới. Cha mẹ không nên chỉ chú tâm vào việc trang bị kiến thức mà bỏ qua những yếu tố quan trọng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!