GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, để đáp ứng mục tiêu về phân luồng, hướng nghiệp ở cấp Trung học phổ thông (THPT), chương trình mới đã đưa hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trở thành một hoạt động bắt buộc. Hoạt động này giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở.
Kết thúc giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh có khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập và làm việc khác nhau; thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại; có khả năng tổ chức cuộc sống, công việc và quản lí bản thân; có khả năng phát triển hứng thú nghề nghiệp và ra quyết định lựa chọn được nghề nghiệp tương lai. Ngoài ra, học sinh có thể xây dựng được kế hoạch rèn luyện đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành công dân có ích.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Mục tiêu của chương trình giáo dục THPT là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, có khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Vì vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới đã xây dựng để học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học cùng với việc chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Chương trình giáo dục phổ thông mới giúp định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh THPT
Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: "Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm, không quy định thời lượng đến từng tuần, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học. Đối với cấp THPT là cấp học có nhiều môn học lựa chọn, chương trình quy định: Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường".
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học, không để xảy ra tình trạng một số môn không có học sinh hoặc có môn quá đông học sinh, vượt khả năng đáp ứng của nhà trường.
Chương trình sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10; áp dụng "cuốn chiếu" cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!