Những ngày đầu tiên tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 của trường Trần Cao Vân, thuộc quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng không đông đúc như mọi năm. Bởi lẽ trước đó, UBND quận, phường và ngành công an đã phối hợp kiểm tra, rà soát tất cả các trường hợp chuẩn bị vào lớp 1 có hộ khẩu trên địa bàn phường và chia làm 5 nhóm khác nhau và nhóm được ưu tiên nhất là những cháu có hộ khẩu đang ở cùng cha mẹ thực tế tại địa phương. So với con số điều tra phổ cập hàng năm thì con số khảo sát mới đây của khu vực mà Trường tiểu học Trần Cao Vân được phân tuyến lại “dôi ra” hơn 1 lớp học.
Ông Nguyễn Thế Quyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Cao Vân cho biết: “Từ nay đến ngày 2/7 nhà trường sẽ tiếp nhận học sinh đã được xác minh làm rõ, còn 51 trường hợp còn lại sẽ báo cáo phường và quận xem xét”.
Tuyển sinh đầu cấp năm nào cũng “nóng” và cái “nóng” của năm nay nằm ở sự quyết liệt thực hiện của các cấp trong việc thẩm định hộ khẩu với tình trạng cư trú thực tế - vốn là nút thắt của tình trạng trái tuyến từ nhiều năm qua. Cũng là hộ khẩu, nhưng có nhiều loại: có những người đã bán nhà nhưng giữ hộ khẩu cho con có chỗ học, có những người gửi hộ khẩu nhà người quen mà không ở thực tế và cũng có những cháu đang được gửi khẩu ở nhà ông bà nội ngoại. Chính vì thế, việc xét cả “tình”, lẫn “lý” đều không dễ cho các nhà quản lý.
Nếu xét theo Luật cư trú, hộ khẩu nào cũng có giá trị như nhau, nhưng xét theo Luật giáo dục thì việc đáp ứng điều kiện “được học” cho tất cả mọi trẻ em trong điều kiện tốt nhất xem ra khó thực hiện khi cơ sở vật chất trường lớp ở khu vực trung tâm đô thị không dễ gì được đầu tư mở rộng .
Vì vậy, trong quyết tâm nói “không” với học sinh trái tuyến của Đà Nẵng thì cái khó của các cơ quan chức năng vẫn là phân loại, xác định “thế nào là trái tuyến” để giải quyết cho từng trường hợp. Rất có khả năng, có giấy tờ hộ khẩu nhưng lại không hợp lý bằng một trường hợp tạm trú KT 3.