Ảnh minh họa.
Ngay trong tháng 1, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông tin đề án tuyển sinh đại học 2024 dự kiến để thí sinh chủ động chuẩn bị các điều kiện phù hợp.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thông tin, năm 2024 trường dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước trong đó có chỉ tiêu của ngành mới mở là an toàn thông tin. Trường sử dụng 6 phương thức tuyển sinh, tương tự năm ngoái, trong đó dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8%); xét học bạ THPT (15%); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (6%) và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (6%).
Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH) công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy dự kiến năm 2024. Theo đó, Trường dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu trình độ đại học, tăng 2.600 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển độc lập.
Nguyên nhân tăng chỉ tiêu là trường dự kiến mở 7 ngành mới gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính. Trong đó, với phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh lưu ý trường nhận hồ sơ học bạ theo từng đợt, đợt đầu tiên bắt đầu từ 3/1/2023.
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh 4.130 chỉ tiêu cho cả trụ sở chính và hai cơ sở TPHCM, Quảng Ninh, cao hơn năm ngoái 30 chỉ tiêu.
Năm 2024, trường Đại học Hoa Sen dự kiến tuyển sinh 4,000 chỉ tiêu đối với 33 chương trình đào tạo bậc đại học theo 4 phương thức xét tuyển, trong đó 60% chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT. Năm nay nhà trường tuyển sinh thêm 4 ngành học mới.
Trường Đại học Phenikaa dành 9.896 chỉ tiêu cho 48 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có các ngành mới gồm: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn); An toàn thông tin; Trí tuệ nhân tạo, Marketing; Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện và Y học cổ truyền.
Cùng với đó, phương thức tuyển sinh có sự thay đổi so với năm 2023: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển dựa vào học bạ THPT; xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết năm 2024 sẽ tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (từ tháng 3 đến tháng 6), ít hơn 2 đợt so với năm 2023.
Năm 2024, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được tổ chức tại 10 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (tăng 3 tỉnh so với năm 2023). Quy mô dự kiến tổ chức cho khoảng 75.000 lượt thí sinh dự thi. Thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm; lệ phí dự thi Đánh giá năng lực vẫn là 500.000 đồng/lượt.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố Kỳ thi đánh giá tư duy 2024 sẽ diễn ra trong 6 đợt, thời gian diễn ra từ đầu tháng 12/2023 đến giữa tháng 6/2024. Địa điểm thi diễn ra tại các tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng…
Trường đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh tthông báo tăng 2.000 chỉ tiêu, xét tuyển theo 4 phương thức, theo đó dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển 7.000 sinh viên cho 33 ngành.
Trường Đại học Giao thông Vận tải vừa thông tin tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2024 với tổng số 6.000 chỉ tiêu (tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2023). Trong đó, tại cơ sở chính ở Hà Nội là 4.500 chỉ tiêu, tại Phân hiệu TP Hồ Chí Minh là 1.500 chỉ tiêu. Nhà trường xét tuyển theo 4 phương thức.
Thông tin từ Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2024 các phương thức xét tuyển vẫn cơ bản giữ ổn định. Trong đó, mỗi trường đại học với đặc thù đào tạo của mình có thể điều chỉnh phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh.
Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, phải làm rõ được căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn của việc sử dụng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và các chỉ tiêu phân bổ.
Đối với việc các trường có sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ trong khi một số trường khác thông báo bỏ hẳn phương án xét tuyển bằng học bạ, thí sinh không cần lo lắng sẽ đánh mất cơ hội.
Dù xét tuyển hay đánh giá thí sinh bằng phương thức nào đi nữa cũng dựa vào kiến thức nền tảng, cốt lõi của thí sinh nên các em cứ yên tâm học và ôn tập theo định hướng của nhà trường, thầy cô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!