Mới đây, trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội đã ra mắt Khoa Công nghệ Nông nghiệp, đây là ngành học mới, nắm bắt xu hướng tất yếu của xã hội cũng như thị trường việc làm trong tương lai gần. Ngành học này sẽ tuyển sinh ngay trong năm 2019 theo kết quả thi THPT Quốc gia với 60 chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển là A00, A01 và B00.
Khoa Công nghệ Nông nghiệp sẽ đưa vào giảng dạy và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, điều khiển tự động hóa, truyền thông, công nghệ viễn thám, kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học… trong lĩnh vực nông nghiệp – cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nhằm góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, giá trị cao, an toàn và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trường Đại học Công nghệ định hướng phát triển các ngành đào tạo và nghiên cứu phục vụ cho phát triển nông nghiệp dựa trên thế mạnh của Nhà trường và của ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong giai đoạn đầu, trường định hướng xây dựng một số ngành đào tạo gắn liền với phát triển Trung tâm thực nghiệm Nông nghiệp thông minh, đáp ứng được yêu cầu về tính hiện đại, phù hợp với xu thế đào tạo gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nông nghiệp công nghệ cao.
Theo các giảng viên của trường ĐH Công nghệ, chương trình đào tạo Công nghệ Nông nghiệp của trường không trùng lặp với bất kỳ ngành đào tạo của các trường khác. Thông qua việc phát triển các nghiên cứu ứng dụng, các kỹ thuật điện tử, tự động hóa robot, kỹ thuật số, kỹ thuật viễn thông, viễn thám, công nghệ nano... vào nông nghiệp, ngành học sẽ hỗ trợ ngành nông nghiệp trở nên chính xác hơn, hiệu quả hơn thông qua việc thực hành thường xuyên, ứng dụng trực tiếp vào công việc, đào tạo ra các thế hệ kỹ sư công nghệ thực tiễn, thành thạo công nghệ và chuyên môn ngay khi ra trường.
Ngay trong năm 2019 này, Khoa Công nghệ Nông nghiệp tuyển sinh 60 chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển là A00, A01, B00.Chương trình đào tạo kéo dài trong vòng 4 - 5 năm nhằm đào tạo các kỹ sư công nghệ với các chuyên môn: công nghệ số, công nghệ điện tử, tự động hóa, công nghệ viễn thám, công nghệ nano, công nghệ sinh học… có các hiểu biết cần thiết về các lĩnh vực nông nghiệp – cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Kỹ sư ngành Công nghệ nông nghiệp có khả năng: Thiết kế, chế tạo, khai thác, vận hành, bảo trì các hệ thống thiết bị công nghệ sử dụng trong nông nghiệp và quản lý hệ thống nông nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng kỹ thuật điều khiển, công nghệ thông tin, truyền thông và tự động hóa; Phát triển và ứng dụng các quy trình công nghệ cho nuôi trồng đối với các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản; phát triển các chế phẩm sinh học ứng dụng trong nông nghiệp; Hiểu biết về chuỗi giá trị nông nghiệp, thị trường công nghệ nông nghiệp trong nước và quốc tế, có khả năng quản lý các dự án nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống sản xuất nông sản và chất lượng nông sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!