Đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo 150 nhân lực ngành hiếm cho Đồng bằng sông Cửu Long

Theo TTXVN-Thứ tư, ngày 26/09/2018 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo 150 nhân lực ngành hiếm như lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu cho đồng bằng sông Cửu Long.

Trong Lễ Khai giảng năm học mới 2018 - 2019 diễn ra ngày 25/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, bên cạnh định hướng phát triển trường theo mô hình đào tạo bám sát nhu cầu xã hội, đào tạo theo đơn đặt hàng, trong năm học này nhà trường còn phải hoàn thành sứ mệnh là trung tâm đào tạo 150 nhân lực ngành hiếm cho Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể là các ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu. 150 chỉ tiêu sẽ được phân bổ đều theo nhu cầu các tỉnh.

Theo kết quả khảo sát của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tính đến năm 2018, Đồng bằng sông Cửu Long có 7,85 bác sĩ/vạn dân và 1,39 dược sĩ/vạn dân. Đặc biệt, nhân lực y tế phục vụ trong lĩnh vực chuyên ngành hiếm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu trầm trọng. Hiện nay 13 tỉnh chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành Pháp y, còn lại là các chuyên khoa khác. Bác sĩ chuyên ngành hiếm rất ít, nhiều tỉnh có trung bình 1- 5 bác sĩ.

Cụ thể, tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thấp nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long là tỉnh An Giang (6,30 bác sĩ/vạn dân), kế đến là tỉnh Tiền Giang (6,32 bác sĩ/vạn dân). Tỉnh có số lượng dược sĩ thấp nhất là Long An (0,71 dược sĩ/vạn dân). Thành phố Cần Thơ là địa phương có tỷ lệ cao nhất, với 11,54 bác sĩ/vạn dân và 12,49 dược sĩ/vạn dân.

Hiện nay, phần lớn các tỉnh không đủ nhân lực bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ chuyên ngành Ung bướu của bệnh viện tuyến tỉnh. Nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm của 13 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long trung bình khoảng 250 bác sĩ/1 năm, trong đó ngành có nhu cầu cao là Lao, ngành có nhu cầu thấp hơn là Giải phẫu bệnh và Pháp y.

Lý giải về việc tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Trung Kiên cho biết, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, cộng với môi trường làm việc khắc nghiệt, nguy cơ lây nhiễm cao. Để giải quyết bài toán này, theo bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, ngoài 150 chỉ tiêu được phân bổ, các tỉnh có thể gia tăng thêm nhân lực cho địa phương mình bằng cách liên kết với trường qua mô hình đào tạo theo địa chỉ. Cụ thể, tỉnh đề cử người đi học bằng kinh phí địa phương, nhà trường kiểm tra trình độ đầu vào, đào tạo. Sau khi học viên tốt nghiệp, sẽ trở về phục vụ cho địa phương, theo đúng hợp đồng đào tạo và tuyển dụng. 

Theo số liệu từ Đại học Y Dược Cần Thơ, năm học 2017-2018, trường có 2.269 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp các ngành. Tối đa 85% chỉ tiêu đào tạo của trường được ưu tiên cung cấp cho thị trường nhân lực khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm học 2018-2019, trường tuyển sinh được gần 3.000 học viên. Đây sẽ là nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, cung cấp cho toàn vùng Tây Nam Bộ cũng như cả nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước