Thế nhưng với nhiều địa phương, giáo viên thì thiếu, cơ sở vật chất thì không có, nếu cứ bó tay trước khó khăn, học sinh sẽ không biết khi nào mới được học.
Tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, ngành giáo dục đã có sáng kiến xin, mượn máy tính xách tay, rồi giáo viên Tin học chở đến các điểm trường để dạy học sinh.
Thùng máy tính lưu động dạy Tin học
Kết thúc tiết học này, cô giáo Tùa sẽ mang máy tính đến điểm trường khác. Cô là giáo viên Tin học duy nhất của Trường Tiểu học Tân Pheo. Nhưng trường có tới 4 điểm, có điểm trường chỉ 8 học sinh lớp 3, nếu không mang máy tính đến, các em sẽ không được học.
Năm học qua, nhiều giáo viên như cô Tùa, hàng tuần chở máy tính đến các điểm trường cách 4-5 cây số để đảm bảo quyền được học Tin học cho các em.
Những học sinh sẽ chưa thể có được niềm vui với Tin học, nếu ngành giáo dục không nỗ lực.
Trong khi nhiều địa phương chật vật vì thiếu giáo viên thì tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều năm qua đã chủ động về nguồn tuyển nên cơ bản đảm bảo đủ giáo viên Tin học. Tuy nhiên ở các vùng khó, nơi có nhiều điểm trường thì không thể đảm bảo có đủ phòng máy tính, ngành giáo dục đã chủ động nhiều hình thức để đảm bảo quyền lợi học tập của các em.
Đảm bảo dạy Tin học ở điểm trường lẻ
Những học sinh của Trường Tiểu học Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế hàng ngày học ở điểm trường lẻ, cách trường chính 10 cây số. Suốt năm học qua, mỗi tuần, thầy cô kết hợp với phụ huynh lại đưa các em về điểm trường chính để học môn Tin học. Ở đây mới có phòng máy để các em thực hành.
Mỗi tuần chỉ có 2 tiết tin học nhưng đến hôm nay, bạn nào cũng đã thực hiện được những yêu cầu cơ bản. Các em đang tự thiết kế ngôi nhà của mình từ phần mềm power point.
Học Tin học nhưng các em được kết nối kiến thức với nhiều môn học khác như Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Bài học có đủ phần khởi động, tìm ví dụ minh họa, rồi gắn kết bài học với thực tế. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, giáo viên kiến nghị cần hỗ trợ nhiều hơn về học liệu.
Không chỉ triển khai cho lớp 3, tỉnh Thừa Thiên Huế còn chủ động cho học sinh lớp 1, lớp 2 học Tin học tiếp cận. Hiện đã có 18% học sinh lớp 1, 2 trên toàn tỉnh được học Tin học. Đây là bước đệm quan trọng để thực hiện đại trà từ lớp 3 trở lên.
Theo Bộ GD-ĐT, năm học này, cả nước cần bổ sung khoảng 3.700 giáo viên Tin học. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề tuyển dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Lương thấp lại phải đi làm ở nhiều vùng khó khăn, xa xôi nên sinh viên mới ra trường không mấy mặn mà. Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp để các địa phương vừa linh hoạt trong việc sử dụng giáo viên, vừa linh hoạt trong việc tổ chức dạy môn Tin học.
Khắc phục thiếu giáo viên Tin học
11h trưa, 2 cô giáo này phải vội bắt chuyến đò duy nhất trong ngày đi từ Thị trấn Cát Bà ra xã đảo Việt Hải. Ngoài đảo chưa có giáo viên Tin học lớp 3, các cô sẽ cùng một lúc dạy liên trường.
Giáo viên dạy biệt phái, dạy liên trường, liên cấp hay đi bồi dưỡng ngắn hạn để về dạy Tin học là giải pháp đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn các địa phương từ trước khi triển khai chương trình. Để hỗ trợ cho các nhà trường trong giai đoạn đầu, đặc biệt là những nơi thiếu giáo viên, thiếu máy tính, Bộ GD-ĐT đã xây dựng các bài học và đăng tải trên trang web Moet.gov.vn. Chỉ cần vào đây là có 17 bài giảng để học sinh làm quen, vận dụng và phát triển kỹ năng số, chứ không chỉ học Tin học ứng dụng.
Các nhà trường cũng được hướng dẫn để linh hoạt trong việc sắp xếp thời khóa biểu, tăng công năng của các phòng học, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động về chương trình.
Năm đầu tiên dạy Tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3, các địa phương khó khăn nhất cũng đã triển khai được. Dù còn thiếu, chưa đồng bộ, cả thầy và trò còn phải khắc phục nhiều khó khăn vất vả, nhưng một dấu mốc mới đã được đặt ra: đảm bảo cho học sinh mọi vùng miền đều có cơ hội giáo dục như nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!