Đánh giá rủi ro, đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm vaccine COVID-19

PV-Thứ bảy, ngày 26/02/2022 08:27 GMT+7

Ảnh minh họa: TTXVN

VTV.vn - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng vaccine.

Đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác

Chiều 25/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, các Thứ trưởng Bộ GDĐT: ông Nguyễn Hữu Độ, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo, giải trình về vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19 tại phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Về việc mở cửa trường học, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới. Từ ngày 5/9/2021 đến tháng 2/2022, cơ bản các địa phương kiểm soát được dịch sẽ tổ chức dạy học trực tiếp.

Do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên đến ngày 20/02/2022 một số tỉnh/thành phố đã quyết định lùi thời gian tổ chức học trực tiếp, cụ thể: Tính đến này 21/2, cả nước có 50/63 tỉnh/thành phố tổ chức học trực tiếp cho trẻ mầm non; con số này với tiểu học là 51/63 tỉnh/thành phố, với trung học cơ sở là 59/63 tỉnh/thành, trung học phổ thông là 62/63 tỉnh/thành phố tổ chức học trực tiếp.

Để đảm bảo cho việc mở cửa trường học an toàn, Bộ GDĐT đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; công bố thuốc và hướng dẫn dùng thuốc phòng, chống COVID-19 cho trẻ em. Đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị F0 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội.

Đánh giá rủi ro, đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại phiên giải trình

Trao đổi về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến mở cửa trường học, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận: Đây là thời điểm ngành Giáo dục đứng trước thách thức chưa từng có, khó khăn phát sinh rất lớn, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Đồng thời khẳng định, phía ngành Giáo dục đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhất quán, toàn diện, bám sát thực tế và phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để triển khai việc mở cửa trường học.

Bộ trưởng cho biết, sau khi chỉ đạo toàn ngành mở cửa trường học, lãnh đạo Bộ GDĐT đã đi kiểm tra tình hình triển khai tại các địa phương. Qua những chuyến kiểm tra này có thể thấy, được đi học trở lại là mong muốn rất lớn của học sinh, giáo viên, các cấp quản lý. Các địa phương cũng rất quan tâm xây dựng kịch bản, lộ trình, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện với quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học tập.

Đánh giá rủi ro, đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giải trình

Bên cạnh thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra một số khó khăn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, đó là việc nhiều trường phải dạy online - offline hỗn hợp dẫn tới căng thẳng, vất vả cho giáo viên; trường học cho học sinh trở lại nhưng chưa tổ chức bán trú dẫn tới khó khăn trong chăm sóc, đưa đón của phụ huynh; những lúng túng trong khoanh vùng xử lý ca F0, F1 trong trường học; thời gian cách ly, phương án chăm sóc cho các trường hợp nhiễm, việc test sàng lọc… Tuy nhiên, Bộ trưởng thông tin, những khó khăn này đã phần nào được giải quyết khi mới đây, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết xử lý những vấn đề nêu trên.

Về định hướng tiếp theo, Bộ trưởng cho biết: Ngành Giáo dục tiếp tục nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, dẫu đang có nhiều băn khoăn nhưng đó là xu thế chung và cần xác định về tư tưởng, đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác. Trên thực tế, mặc dù dịch bệnh phức tạp, một số nơi phải quay lại học trực tuyến nhưng ở nhiều địa phương, lộ trình đưa học sinh đi học trực tiếp vẫn đang được tiếp tục.

"Một số địa phương đưa ra khẩu hiệu, chỉ có một học sinh đến lớp vẫn mở cửa lớp, có ý kiến cho rằng điều này là không hiệu quả. Nhưng tôi lại nghĩ rằng có hiệu quả, đó là sự khẳng định cho một thái độ. Có một vài em số ít gia đình không thể trông nên đưa đến lớp, việc này sẽ cổ vũ cho các cháu khác và những người khác" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích đồng thời nhấn mạnh: Khó có thể có một phương án toàn diện đáp ứng mọi điều kiện, trong khó khăn cần chọn phương án khả dĩ hơn cả. Phương án hiện nay đang là linh hoạt với tình hình địa phương nhưng việc đưa học sinh trở lại trường học là kiên định, nhất quán.

Đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng vaccine

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình phục hồi kinh tế nói chung, chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục nói riêng, bảo đảm tiến độ, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15, đặc biệt, sớm triển khai, bổ sung các gói hỗ trợ cho các cơ sở ngoài công lập, giáo viên ngoài công lập đang thực hiện hoạt động dạy học trong tình mới.

Chính phủ đẩy nhanh gói tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên và chính sách hỗ trợ giáo viên trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tác động nặng nề đến ngành Giáo dục; đồng thời, xem xét có cơ chế miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với cán bộ, giáo viên trong tình hình dịch bệnh.

Đánh giá rủi ro, đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em," tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền Internet, phương tiện học tập cho học sinh bảo đảm triển khai hiệu quả phương thức dạy học trực tuyến trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực; tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kế hoạch, phương án tổ chức dạy học bảo đảm an toàn, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn cơ sở địa phương, cơ sở giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá toàn diện, đầy đủ, tác động trước mắt và lâu dài của đại dịch COVID-19 tới hoạt động giáo dục tất cả các cấp học; phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương, các cơ sở giáo dục hoàn thiện phương án tổ chức dạy học, tập huấn kịch bản ứng phó khi học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông về hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, khắc phục bất cập trong thời gian học trực tuyến, chú trọng công tác tư vấn học đường để học sinh, sinh viên sớm hoạt động trở lại trạng thái bình thường; có kế hoạch cập nhật, bổ sung kiến thức miễn phí cho học sinh.

Đối với các địa bàn phải tiếp tục học trực tuyến, ngành Giáo dục cần quan tâm đẩy nhanh việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý việc học, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện để tổ chức học trực tuyến; xây dựng các nền tảng học trực tuyến dễ dàng và thuận tiện sử dụng, phù hợp từng cấp học, bảo đảm thuận tiện cho học sinh, sinh viên, giáo viên.

Nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, mở rộng hơn nữa các hình thức dạy học phù hợp với hoàn cảnh khác nhau của từng cấp học và địa phương.

Hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đồng bộ, nhất quán giữa chính sách từ cao xuống thấp, từ chính sách chung đến các chính sách đặc thù của ngành; áp dụng linh hoạt hơn nữa những tiêu chí đảm bảo chất lượng và phương pháp đánh giá công bằng giáo dục và đào tạo.

Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá rủi ro sức khỏe học sinh dưới 12 tuổi, chưa tiêm vaccine; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng vaccine.

Việc mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi cần được thử nghiệm, triển khai từng bước thận trọng, khoa học, để phụ huynh và xã hội yên tâm ủng hộ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước