Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện 6 trường đại học, 14 Sở GD&ĐT. Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng tình hình đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) và đưa ra những đề xuất để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS để đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đánh giá sơ bộ, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên đã được thực hiện khá tốt. Kết quả này là do các địa phương đã quan tâm phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên tiếng DTTS.
Tuy nhiên, hiện tại giáo viên dạy tiếng DTTS vẫn thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng. Thống kê cho thấy, đến năm học 2020 - 2021, cả nước có 1026 giáo viên tiếng DTTS, chiếm 0,2% tổng số giáo viên các cấp học phổ thông. Giáo viên dạy tiếng DTTS có ở cả ba cấp học thuộc bậc học phổ thông, trong đó cấp Tiểu học chiếm gần 90% số giáo viên tiếng DTTS trong cả nước.
Đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS nhìn chung trình độ còn thấp. Hiện nay chỉ có giáo viên tiếng Khmer được đánh giá là cơ bản đạt trình độ chuẩn đào tạo về chuyên môn tiếng dân tộc theo quy định. Giáo viên tiếng DTTS còn lại đều chưa có giáo viên đạt chuẩn đào tạo về tiếng DTTS. Một số giáo viên được đào tạo theo hệ 7+ hoặc 9+.
Để nâng cao chất đội ngũ giáo viên tiếng DTTS, các địa phương có giảng dạy tiếng DTTS đã tổ chức đào tạo bổ trợ kiến thức theo các mô hình khác nhau. Chủ yếu là đào tạo theo mô hình bổ trợ, bồi dưỡng kiến thức trên nền tảng giáo viên cấp tiểu học.
Theo đó, giáo viên tiểu học ngoài chuyên môn được đào tạo chính thức, giáo sinh được đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ tiếng DTTS. Các hình thức đào tạo theo hướng bổ sung kiến thức, kỹ năng nên giáo viên được đào tạo không được cấp văn bằng.
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn học tiếng DTTS là môn học tự chọn. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành 8 chương trình tiếng DTTS dạy học trong trường phổ thông và biên soạn 8 bộ sách giáo khoa để đưa vào dạy học trong nhà trường. Năm học 2022 - 2023, sẽ thực hiện dạy tiếng DTTS theo chương trình và sách giáo khoa tiếng DTTS mới.
Trên cơ sở quy mô dạy học tiếng DTTS của các địa phương với 8 thứ tiếng là Bahnar, Chăm, Khmer, Ê đê, Jrai, Mnông, Mông, Thái cần đáp ứng cho triển khai chương trình tiếng DTTS mới đến năm học 2024 - 2025 là khoảng gần 4.000 giáo viên, đến năm 2029 - 2030 là khoảng hơn 9.000 giáo viên.
Cả nước hiện chỉ có một trường đại học đào tạo giáo viên chính quy và cấp bằng chuẩn trình giáo viên tiếng DTTS là trường Đại học Trà Vinh. Trao đổi tại hội thảo, các trường đại học cho rằng, để có thể đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng DTTS đạt chuẩn, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới thì cần phải có cơ sở đào tạo đạt chuẩn. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên ngôn ngữ, văn hóa DTTS tại các trường đại học đều thiếu. Do đó, đây sẽ là vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới để giúp các trường đại học và các địa phương có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng DTTS.
Để đảm bảo chất lượng dạy học tiếng DTTS theo chương trình giáo dục phổ thông mới, một số Sở GD&ĐT kiến nghị cần phải có quy chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để giảng dạy tiếng DTTS.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định, dạy học tiếng dân tộc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đánh giá cao các ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu nâng cao chất lượng giáo viên dạy tiếng DTTS đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng cho rằng, các ý kiến không chỉ chỉ ra những tồn tại, khó khăn mà quan trọng hơn là đưa ra lộ trình, hướng đi để từng bước nâng cao chất lượng giáo viên dạy tiếng DTTS, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hiện tại, cả nước có 6 tiếng DTTS được tổ chức dạy học chính thức gồm: tiếng Mông; Ê đê; Jrai; Bahnar; Chăm và Khmer tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hàng năm, khoảng hơn 600 trường học, với 4.500 lớp học và 110.000 học sinh được học tiếng DTTS. Số học sinh được học tiếng DTTS chiếm khoảng 3,9% tổng số học sinh DTTS ở cấp học phổ thông.
Bên cạnh 6 tiếng DTTS chính thức được dạy, còn có 7 tiếng DTTS đang triển khai dạy thực nghiệm trong trường phổ thông là: Hoa; Chăm; Thái; Cơ-Tu; Tà ôi; Pa cô; Bru Vân Kiều. Quy mô thực hiện 7 tiếng DTTS này ở hàng trăm trường, với hàng chục nghìn học sinh được học tiếng DTTS.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!